Quang cảnh buổi Hội thảo sáng 14.7
Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các bộ, ngành liên quan, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nhấn mạnh, hội thảo nhằm thu thập ý kiến góp ý mang tính khoa học, khách quan đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025 - 2030 để hoàn chỉnh văn kiện trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang.
Đồng thời, tập hợp và phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh nhằm hoạch định các giải pháp chiến lược, giúp tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế.
Theo định hướng mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành.
Vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế biên mậu, đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.
Đến năm 20230, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục, y tế thuộc nhóm đầu cả nước;
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại chủ động, rộng mở; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Để góp phần hoàn thiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030. Hội thảo tập trung tham luận, thảo luận, làm rõ 10 nhóm vấn đề trọng tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu
Định hướng phát triển của tỉnh, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược của tỉnh An Giang; những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2045;
Định hướng quy hoạch để tỉnh An Giang phát triển nhanh, hài hòa và bền vững, đặc biệt phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm quốc tế; cách tiếp cận tích hợp giữa kinh tế biển, biên mậu và nội địa, trở thành các động lực tăng trưởng mới của kinh tế tỉnh An Giang;
Những kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề phát triển và gợi ý cho tỉnh An Giang; mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; định hướng cơ cấu kinh tế các ngành của tỉnh An Giang; các đột phá của An Giang trong giai đoạn mới;
Các giải pháp bảo đảm an ninh sinh kế, văn hóa và môi trường bền vững; khai thác giá trị văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển An Giang trong giai đoạn mới; cơ chế vận hành chính quyền 2 cấp hiệu quả, hiện đại;
Thiết kế và vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp trên nền tảng số; giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhất là an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới;
Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng trong bối cảnh phát triển mới; góp ý dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phát biểu định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết.
Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần tiếp cận theo tư duy mới: nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ.
Hình thành không gian kinh tế nông nghiệp kết nối “đồng bằng - biên giới - biển Tây”, trong đó, đồng bằng là Tứ giác Long Xuyên như vùng lõi để thực nghiệm các mô hình nông nghiệp thông minh - tuần hoàn;
Khu vực biên giới giúp tận dụng lợi thế kinh tế biên mậu, quy hoạch vùng đệm sản xuất kết nối xuất khẩu sang nước bạn Campuchia; biển Tây kết hợp điện gió, nuôi biển công nghệ cao, chế biến sâu – hình thành chuỗi giá trị thủy sản bền vững.
Kinh tế biển gắn kết chặt chẽ với ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển”. Kinh tế biển hiện thực hóa “Chiến lược Tam Ngư”: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường. Phát triển nông nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và vai trò dẫn dắt của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp dẫn đầu…
THẾ HẠNH