Mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao đã giúp ông Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Khánh) có được nguồn thu nhập ổn định trong thời gian qua. Ông Nghĩa cho biết, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, năm 2022, ông quyết định đầu tư xây dựng 4 nhà màng trồng dưa lưới, với diện tích trên 2.000m2. Ông Nghĩa ưu tiên chọn các giống dưa Huỳnh Long, dưa đế đặc mật, dưa lê vàng… canh tác, bởi giá cao. Ngoài ra, ông Nghĩa còn sử dụng ong mật để thụ phấn, vừa tiết kiệm công sức, nâng cao tỷ lệ đậu trái…
Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Nghĩa xây dựng mô hình “Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật) kiểm soát nhiệt độ môi trường và hệ thống châm phân tự động”. Với hệ thống châm phân tự động và làm mát nhà màng, giúp quản lý tốt môi trường và nâng cao năng suất cây trồng. Từ khi mô hình được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, năng suất cây dưa lưới tăng lên đáng kể.
Đánh giá mô hình, ông Nghĩa chia sẻ: “Dưa lưới từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 70 - 75 ngày, có thể canh tác 3 - 4 vụ/năm, với giá bán bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo giống dưa và sản lượng khá ổn định, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 30 - 35 triệu đồng/vụ/nhà màng nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu tương đối nhanh”.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi bền vững mà nông dân hướng đến
Theo nhiều nông dân, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sẽ tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thị trường…
Tại xã Phú Tân, những năm gần đây, chính quyền địa phương chú trọng phát triển theo chiều sâu thông qua tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, chọn giống mới có năng suất chất lượng để nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, tăng giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Bo.
Ông Nguyễn Văn Bo cho biết, đặc thù là xã chuyên canh rau màu nên nhu cầu về cây giống khá lớn. Khảo sát thực tế địa phương, bà con chủ yếu tự ươm giống theo cách truyền thống, nên tốn nhiều thời gian, công sức, chất lượng cây giống cũng không đảm bảo. Thấy vậy, ông Bo tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng phương pháp ươm giống trong nhà màng để khắc phục những hạn chế trên.
Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Bo được hỗ trợ hơn 845 triệu đồng (vốn đối ứng 600 triệu đồng) để mở rộng sản xuất. Nguồn kinh phí được ông Bo đầu tư các hạng mục: Nhà màng để ươm, máy gieo hạt chân không “6 trong 1” tự động và một số thiết bị khác. Ông Bo cho biết, bình quân mỗi giờ, máy gieo được khoảng 50.000 hạt giống. Cây giống được bán với giá 140.000 đồng/1.000 cây. Mỗi mùa vụ, người dân đặt 4 - 5 đợt, mỗi đợt khoảng 1,6 triệu cây giống, trừ chi phí ông Bo lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, toàn vụ lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nông dân trong tỉnh đã và đang thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các giải pháp về công nghệ. Đặc biệt là công nghệ sinh học; công nghệ nhà kính, nhà màng; công nghệ tưới nhỏ giọt; công nghệ tuần hoàn, công nghệ cảm biến, tự động hóa… Nông dân nhiều địa phương còn sử dụng máy bay không người lái (Drone) vào gieo sạ lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng năng lượng mặt trời; canh tác rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó là các mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc; nuôi tôm - lúa thông minh; ứng dụng công nghệ nuôi mới đối với loại hình nuôi lồng bè trên biển… Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường…
Để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp; chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; quy hoạch vùng sản xuất tập trung; đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại thu nhập cao, giảm nghèo bền vững…
ĐỨC TOÀN