Ăn hàu tái, người đàn ông rơi vào hôn mê vì nhiễm vi khuẩn chết người

Ăn hàu tái, người đàn ông rơi vào hôn mê vì nhiễm vi khuẩn chết người
10 giờ trướcBài gốc
Từ món hàu tái đến cuộc chiến sinh tử
Sau bữa ăn có món hàu tái, ông N.V.A. 59 tuổi, (Hải Phòng) bắt đầu thấy mệt mỏi, đau bụng dữ dội, nôn ói, tiêu chảy và sốt cao. Chỉ trong vài giờ, sức khỏe ông suy sụp nhanh chóng.
Khi được đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ông đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan. Da tay chân sưng tấy, đổi màu và hoại tử lan rộng – dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng mô nghiêm trọng. Xét nghiệm xác định ông mắc Vibrio vulnificus, loại vi khuẩn nguy hiểm thường được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Dù đã được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, thở máy và lọc máu liên tục, bệnh nhân không có tiến triển. Sau bốn ngày điều trị, gia đình buộc phải đưa ông về nhà trong vô vọng.
Mối nguy mùa hè: Vi khuẩn phát triển mạnh trong nước biển ấm
Tại Mỹ, loại vi khuẩn này cũng đang gây lo ngại. Bang Florida ghi nhận ít nhất 11 ca tử vong do Vibrio vulnificus chỉ trong một mùa hè, khiến giới y tế gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có khoảng 80.000 người nhiễm vi khuẩn họ Vibrio, trong đó hơn 50.000 trường hợp liên quan đến thực phẩm, đặc biệt là hải sản chưa được nấu chín kỹ. Hai chủng nguy hiểm nhất là Vibrio parahaemolyticus và Vibrio vulnificus.
Đáng lo ngại hơn, biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu đang khiến vi khuẩn này mở rộng vùng phân bố – xuất hiện cả ở những khu vực trước đây hiếm gặp như bờ biển phía bắc châu Âu và đông bắc nước Mỹ.
Ảnh minh họa
Vi khuẩn len lỏi từ những vết xước nhỏ
Vibrio vulnificus sống tự nhiên trong nước biển và nước lợ. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết thương hở – dù chỉ là vết xước nhỏ do vỏ sò, gai tôm hoặc cắt khi chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, việc tiêu thụ hải sản sống, đặc biệt là hàu tươi – vốn là món ăn khoái khẩu trong mùa hè – là con đường nhiễm khuẩn phổ biến và dễ bị bỏ qua nhất.
Trường hợp của ông Kenny Watts (53 tuổi, Delaware, Mỹ) là một ví dụ điển hình. Trong lúc chuẩn bị tiệc hải sản tại nhà, ông bị cua kẹp nhẹ vào tay. Tưởng chừng vô hại, nhưng sau chưa đầy hai ngày, ông rơi vào trạng thái hôn mê, tay sưng tím và hoại tử lan rộng. Dù chỉ có 5% cơ hội sống sót, nhờ can thiệp y tế kịp thời và trải qua 5 lần phẫu thuật cùng gần một năm vật lý trị liệu, ông mới hồi phục.
Người có bệnh nền cần đặc biệt cảnh giác
Với người khỏe mạnh, nhiễm khuẩn có thể chỉ gây rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, những người có bệnh nền như tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch, HIV hay đang hóa trị sẽ đối mặt với nguy cơ biến chứng nặng nề – thậm chí tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Vi khuẩn khi xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng huyết, tụt huyết áp, sốt cao, bóng nước trên da và dẫn tới sốc nhiễm khuẩn hoặc viêm cân hoại tử – tình trạng buộc phải phẫu thuật sâu hoặc cắt cụt chi.
Cách phòng tránh vi khuẩn Vibrio vulnificus
Theo CDC, khoảng 1/5 ca nhiễm Vibrio vulnificus sẽ trở nặng nếu không được chẩn đoán và xử lý sớm. Các trường hợp nhẹ chỉ cần bù nước và theo dõi, nhưng khi có dấu hiệu hoại tử mô, bệnh nhân cần nhập viện, điều trị kháng sinh hoặc can thiệp ngoại khoa.
Để phòng tránh, giới chức y tế khuyến cáo:
Tuyệt đối không ăn hải sản sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, nhất là hàu.
Hạn chế tiếp xúc với nước biển hoặc nước lợ nếu có vết thương hở.
Mang găng tay khi chế biến hải sản, vệ sinh dụng cụ kỹ lưỡng và tránh để thực phẩm sống tiếp xúc với thực phẩm đã nấu chín.
Người có nguy cơ cao nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường sau khi ăn hải sản hoặc ngâm mình ở biển.
Xuân Vũ (T/H)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/an-hau-tai-nguoi-dan-ong-roi-vao-hon-me-vi-nhiem-vi-khuan-chet-nguoi-20413.html