Ẩn họa khôn lường tình trạng thanh, thiếu niên tự chế pháo

Ẩn họa khôn lường tình trạng thanh, thiếu niên tự chế pháo
5 giờ trướcBài gốc
Học sinh bị tổn thương thể chất nghiêm trọng do pháo tự chế. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Thương tích, tàn tật suốt đời vì pháo tự chế
Ngày 23/12, Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 trường hợp thanh, thiếu niên có độ tuổi trung bình 15 - 17 bị đa chấn thương, phỏng nghiêm trọng do pháo tự chế. Theo chia sẻ từ người nhà, nhóm thanh, thiếu niên đã đặt mua thuốc pháo về và tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng, dẫn đến phát nổ.
Cùng ngày, một vụ nổ khác đã xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh khiến một người tử vong tại chỗ và 5 người khác bị thương nặng, trong đó có một trường hợp bị cụt tay. Được biết, cả 6 nạn nhân đều là thanh, thiếu niên từ 14 - 17 tuổi, nguyên nhân vụ nổ cũng xuất phát từ việc đặt mua thuốc pháo qua mạng về tự chế pháo.
Chỉ trong vòng 10 ngày, các bệnh viện tại Đồng Nai đã liên tiếp ghi nhận các trường hợp cấp cứu liên quan đến tai nạn pháo nổ tự chế, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên. Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiếp nhận nam bệnh nhân M.Q.Đ (16 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai) nhập viện với các thương tích nghiêm trọng do tai nạn pháo nổ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, Đ chơi pháo tại nhà thì một quả đã phát nổ, gây tổn thương nghiêm trọng đến vùng mặt, cẳng chân trái và cẳng tay phải của bệnh nhân.
Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để tiếp tục điều trị.
Một bệnh nhân 13 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai do chơi pháo nổ.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã tiếp nhận hai trường hợp tổn thương nghiêm trọng khác do tai nạn pháo nổ.
Điển hình là nam bệnh nhân N.H.H (14 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), người đã tự chế tạo pháo tại nhà và bị bỏng nặng với khoảng 45% diện tích cơ thể. Bệnh nhi đã phải trải qua phẫu thuật cắt lọc vết bỏng và được điều trị tích cực để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cùng ngày, bệnh nhân P.N.K (14 tuổi, ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai) cũng nhập viện với tình trạng dập nát một số ngón tay trên bàn tay phải.
Một trường hợp khác, bệnh nhân N.V.S (14 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã bị pháo nổ làm dập nát bàn tay và cụt 2,5 ngón tay, kèm theo các vết thương nghiêm trọng khác.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ.
Trên đây là một số trường hợp trong nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến pháo nổ tự chế, xảy ra ở đối tượng học sinh và thanh, thiếu niên trong thời gian qua. Có thể thấy, pháo tự chế gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, cũng như để lại hậu quả to lớn đến tương lai và sự phát triển sau này. Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo, không ít học sinh và thanh, thiếu niên vẫn tò mò, chủ quan, tự chế pháo nổ, rước họa vào thân và gây hậu quả cho người khác.
Ngăn chặn nguy cơ từ sớm, từ xa
Trên thực tế, việc tự chế tạo pháo nổ không chỉ là hành vi nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, hành vi buôn bán trái phép, tự chế pháo nổ... ngoài xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xem xét xử lý hình sự. Thế nhưng, với đối tượng là học sinh, người chưa thành niên, việc thực thi pháp luật còn gặp nhiều trở ngại do chưa thể áp dụng một số biện pháp xử phạt, xử lý.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ việc, các đối tượng vi phạm là các em học sinh (dưới 14 tuổi), chưa đủ độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, do không thể áp dụng các chế tài hành chính và hình sự nêu trên nên cần phải có những biện pháp giáo dục và quản lý phù hợp với độ tuổi và mức độ nhận thức của các em. Cụ thể, phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên thông tin và giáo dục học sinh về nguy hiểm của pháo tự chế, bao gồm nguy cơ cháy nổ, thương tích và hậu quả nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của con em mình, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu sử dụng pháo tăng cao, đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo hoặc chương trình giáo dục về an toàn và nguy hiểm của pháo tự chế để nâng cao ý thức cho học sinh và cộng đồng.
Trước tình trạng học sinh, thanh, thiếu niên lên mạng tìm mua nguyên vật liệu và công thức làm pháo, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm soát không gian mạng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động mua bán, vận chuyển, sản xuất và sử dụng pháo trái phép. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc rà soát và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ để khóa, gỡ bỏ các kênh YouTube, TikTok, Facebook đăng tải các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ.
Linh Chi - Thiên Phúc
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/an-hoa-khon-luong-tinh-trang-thanh-thieu-nien-tu-che-phao-post536266.html