Đã là những ngày đầu tháng chạp năm Giáp Thìn 2024, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là cả nước đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đây là thời điểm nhiều hộ nông dân, nhà vườn trồng hoa nổi tiếng ở Lâm Đồng phải "ăn ngủ" với hoa để kịp vụ mùa lớn nhất năm.
Dày công chăm sóc
Các loại hoa nổi tiếng của tỉnh được trồng nhiều để phục vụ Tết Nguyên đán là cúc, lyly, mai anh đào, phong lan và các loại hoa cắt cành khác như cẩm chướng, đồng tiền, hoa hồng…
Tại "thung lũng đào Mười Lời" (phường 4, TP Đà Lạt) có thể thấy nhiều cây đào đang trơ cành khẳng khiu khắp một bãi đất lớn, một số gốc đào đã bắt đầu điểm hoa.
Thời tiết nhiều bất lợi với người trồng hoa đào bán Tết
Tỉ mẩn kiểm tra từng cây, ông Bùi Văn Sang (con trai ông Mười Lời) lo lắng nói: "Cuối năm nay, thời tiết khá thất thường nên việc chăm sóc cây tốn công rất nhiều. Mỗi sự thay đổi như mưa bất chợt hoặc hôm nào nắng quá thì cây cũng có thể nhiễm bệnh, lỡ mất dịp Tết".
Gia đình ông Sang, đang chăm sóc 300 gốc đào, dự kiến đến giữa tháng chạp sẽ xuống chậu chở đi các tỉnh bán kịp Tết Nguyên đán.
Ông Bùi Văn Sang chăm sóc vườn đào chuẩn bị bán
Để thích ứng với thời tiết có phần bất lợi, ngoài việc phải "trông trời, trông đất, trông mây", chủ vườn hoa đào phải ngưng tuốt lá một số cây đang có dấu hiệu bung nở sớm, tận dụng kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa để điều chỉnh lượng phân bón và nước tưới phù hợp với từng cây.
Ông Bùi Văn Sang chăm sóc vườn đào chuẩn bị bán
Còn tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) - vùng trồng hoa lay ơn lớn nhất Lâm Đồng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nông dân cũng đang tất bật chăm bón cho vụ mùa.
Khác với các vùng hoa nổi tiếng ở Đà Lạt như Vạn Thành, Hà Đông tập trung trồng quanh năm, nông dân Hiệp An chỉ trồng lay ơn vào dịp cuối năm. Có nhiều người dân từ vùng khác đến đây thuê đất ngắn hạn chỉ để trồng vụ hoa này.
Xã Hiệp An là vùng trồng hoa lay ơn bán Tết lớn nhất tỉnh Lâm Đồng
Theo lãnh đạo xã Hiệp An, năm nay, người dân trồng khoảng 195 ha lay ơn, đủ sản lượng phục vụ Tết năm nay. Mỗi năm, diện tích có thể tăng thêm vì các xã hoặc huyện bên cạnh cũng đang chuyển sang trồng loại hoa này phục vụ Tết.
Do năm nay thời tiết tới gần cuối tháng 12 mới ổn định, để "chắc ăn" nên cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2024, nhiều hộ đã bắt đầu xuống giống một nửa diện tích đất, nửa còn lại để xuống giống vụ sau. "Giữa tháng 11-2024, gia đình tôi chỉ xuống giống hơn một sào cúc đại đóa để bán Tết Nguyên đán. Đến cuối tháng 11-2024 thì trồng thêm 1 sào đất còn lại để bán dịp rằm tháng giêng. Tính toán này dự phòng trường hợp vụ hoa Tết không đạt thì còn "vớt vát" lại được vụ hoa rằm tháng giêng, chứ thời tiết năm nay khó nói trước điều gì" - ông Nguyễn Văn Thắng, hộ gia đình trồng hoa ở phường 5, TP Đà Lạt cho biết.
Chạy đua với đơn hàng
Ngoài những hộ gia đình trồng hoa đón vụ Tết, nhiều nhà vườn nổi tiếng ở Lâm Đồng cũng đang chạy đua với thời gian để chăm bón hoa, kịp tung ra thị trường dịp Tết. Nhiều nơi phải thuê thêm nhân công và tổ chức làm thêm giờ để kịp đơn hàng.
Anh Phan Thanh Sang, chủ trang trại nhà kính công nghệ cao xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), cho biết đang thuê thêm người chăm sóc hoa, đóng gói lan hồ điệp để kịp giao cho các bạn hàng ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. "Lan hồ điệp là loại hoa cao cấp, giá vài triệu đồng mỗi chậu, nên việc chăm sóc lẫn đóng gói phải rất tỉ mỉ mới đáp ứng yêu cầu của đối tác" - anh Sang cho biết.
Nhân viên tại trang trại của gia đình anh Phan Thanh Sang chăm sóc hoa lan hồ điệp
Khắp trang trại lan hồ điệp rộng hàng ngàn mét vuông, không khí làm việc rất khẩn trương, nhiều hôm phải làm việc đến khuya để kịp giao hàng. Việc thu hoạch hoa Tết bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch đến Tết Nguyên đán.
Hiện mỗi ngày trang trại của anh Sang, đóng khoảng 150 thùng (khoảng 3.000 chậu) lan hồ điệp bán cho khách, đến giữa tháng chạp thì vào cao điểm với số lượng hàng đóng thùng sẽ tăng gấp đôi, nên cần phải thuê thêm người và tăng ca mới chuẩn bị kịp.
Nhân viên tại trang trại của gia đình anh Phan Thanh Sang chăm sóc hoa lan hồ điệp
Theo ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, các nhà vườn áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nên hoa, đặc biệt là các loại hoa có giá trị cao như lan hồ điệp, hoa đẹp hơn và kéo dài hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong tuần cuối tháng 12-2024, nông dân trong tỉnh tiếp tục xuống giống thêm 153 ha hoa, tổng cộng vụ mùa này đạt khoảng 3.551 ha, tập trung chủ yếu ở TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà. Sản lượng thu hoạch khoảng 1,43 tỉ cành và 7 triệu chậu. Dự báo khi vào cao điểm phục vụ Tết, giá hoa sẽ tăng nhẹ.
Ngoài thị trường tiêu thụ chính là TP HCM và một số tỉnh, hoa Đà Lạt tiếp tục được xuất khẩu nhiều đi các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc, Đan Mạch.
Nghiên cứu lập sàn giao dịch hoa Đà Lạt
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP HCM, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên vào ngày 3-1-2025, Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết ngành sản xuất hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, được xem là tỉnh dẫn đầu về nhập nội, cung cấp hoa cho thị trường nội địa và xuất khẩu hoa của Việt Nam.
Phần lớn hoa Đà Lạt tiêu thụ tại TP HCM qua các chợ hoa đầu mối Đầm Sen, Thủ Đức, Hồ Thị Kỷ, Bình Điền và các shop, công ty kinh doanh hoa lớn. Hiệp hội đề xuất UBND TP HCM quan tâm hỗ trợ các hoạt động về chương trình hợp tác giao thương xây dựng một số vựa kinh doanh hoa chất lượng trong các chợ đầu mối; có chính sách hỗ trợ, đầu tư ban đầu cho các shop, trong và ngoài chợ đầu mối, gắn kết với hoạt động cung ứng ổn định sản phẩm hoa đạt chất lượng của các hộ, trang trại trồng hoa ở Đà Lạt trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận - rủi ro và nâng cao trách nhiệm cộng đồng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Đà Lạt tại TP HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành của TP HCM nghiên cứu lập đề án cho sàn giao dịch hoa Đà Lạt. Ban đầu có thể thử nghiệm với một loại hoa, từ đó nhân rộng cho nhiều loại hoa khác và cà phê. Có thể làm sàn giao dịch ngay tại Lâm Đồng để giảm chi phí.
Bài và ảnh: Trường Nguyên