Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên cán bộ ANVT miền Nam (ngồi) xúc động khi gặp lại đồng đội. Ảnh: Đăng Bảy
Quyết tâm tiêu diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu nhanh, gọn
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị đã phân tích thời cơ chiến lược mới và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là Bộ Tư lệnh BĐBP và Tiểu ban ANVT miền Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, cùng quân và dân cả nước kịp thời phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ tháng 12/1974 đến tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh CANDVT điều động trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ từ Khu bộ Việt Bắc, 15 tỉnh và một số đơn vị trực thuộc từ miền Bắc chi viện cho ANVT miền Nam. Được sự hỗ trợ của CANDVT, lực lượng ANVT miền Nam đã kiện toàn về tổ chức, kiên trì bám đất, bám dân, đấu tranh chống địch bình định, lấn chiếm, bảo vệ an toàn căn cứ và cơ quan lãnh đạo. Quán triệt tư tưởng liên tục tấn công địch, các đơn vị ANVT miền Nam đã kiên cường đấu tranh phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ, mở rộng căn cứ và vùng giải phóng.
Đầu tháng 1/1975, Bộ Chính trị thông qua Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, lực lượng ANVT miền Nam khẩn trương chuẩn bị phương án, kế hoạch, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, các cơ quan lãnh đạo và tham gia cùng các lực lượng tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công. Đầu năm 1975, tình hình chuyển biến mau lẹ, cục diện chiến trường miền Nam có nhiều thuận lợi, Trung ương Cục miền Nam mở hội nghị khẩn cấp vào trung tuần tháng 4/1975. Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Nguyễn Văn Linh triệu tập đồng chí Lê Thanh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 180 ANVT (sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh BĐBP) lên giao nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ lãnh đạo tiến về tiếp quản Sài Gòn.
Ngày 20/4/1975, Đoàn 180 ANVT thành lập Ban Chỉ huy hành quân và tác chiến do đồng chí Phan Văn Huấn (sau này là Đại tá, Cục phó Cục Chính trị BĐBP) làm Chỉ huy trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Bên (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh BĐBP) làm Chỉ huy phó. Đồng chí Lê Bình làm Chính ủy. Đồng chí Lê Tu được chỉ định phụ trách cơ quan tham mưu.
Sáng 26/4/1975, đội hình tiến quân của ANVT chia làm 3 mũi với lời thề sắt son: Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết tâm tiêu diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu nhanh, gọn. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của lực lượng vũ trang và nhân dân ta, ANVT miền Nam đã phối hợp với các lực lượng khác trực tiếp tham gia chiến đấu, bắt, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn nằm vùng; tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương xuống chiến trường chỉ huy chiến dịch; tổ chức lực lượng đánh mở hành lang.
Theo Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chi viện cho chiến trường, xây dựng lực lượng ANVT miền Nam, bảo vệ Trung ương Cục và cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn mùa Xuân năm 1975.
Tiếp quản, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu
Ngày 30/4/1975 lịch sử, ANVT miền Nam phối hợp với các cánh quân chủ lực đánh địch tiếp quản Bộ Tư lệnh Cảnh sát, nhà lao Chí Hòa, Đài Phát thanh, Trung tâm Viễn thông, tòa Đại sứ Mỹ, ngân hàng, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, Dinh Độc Lập...; tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, truy bắt những tên ác ôn, đầu sỏ, xóa bỏ tàn dư của chế độ tay sai Sài Gòn. Tiếp quản, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; tham gia gìn giữ trật tự an ninh thành phố, thu hồi vũ khí, chất nổ; trừng trị bọn tội phạm hình sự.
Lực lượng BĐBP tham gia diễu binh trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ảnh: Đăng Bảy
11 giờ 30 phút, Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các đơn vị ANVT đã chiếm lĩnh khu Nhà đèn, khám Chí Hòa, Đại sứ Mỹ và Ngân hàng Quốc gia ngụy. Đại đội 1 ANVT chiếm khu Đại học Thủ Đức làm điểm tập kết tạm thời cho cơ quan Trung ương Cục. Sau khi các đơn vị CANDVT từ miền Bắc vào chi viện, lực lượng ANVT mở rộng diện tiếp quản cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, kho xăng Nhà Bè. Tiểu đoàn 17 CANDVT từ miền Bắc vào đã nhanh chóng chiếm lĩnh, bảo vệ an toàn các ngân hàng ở Sài Gòn. Sau đó, theo điện của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng ANVT phải tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Bố trí lực lượng thay các đơn vị quân đội tiếp quản, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; tham gia giữ gìn trật tự an ninh thành phố, thu hồi vũ khí, chất nổ; truy quét bọn tàn quân; trừng trị bọn tội phạm hình sự. Dù lực lượng ít, nhưng cán bộ, chiến sĩ ANVT và CANDVT đã giữ nghiêm kỷ luật vùng mới giải phóng, có ý thức bảo vệ tốt hồ sơ, tài liệu của địch để các cơ quan chức năng đến tiếp quản.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, non sông đất nước ta thu về một mối. Trong chiến công chung đó của dân tộc, có một phần đóng góp quan trọng của lực lượng ANVT và CANDVT. Tiêu biểu là các đơn vị ANVT Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Trung đoàn 180... Điển hình như ANVT Tây Ninh đã đưa 75% lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu. Thông qua phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên trong tỉnh, ANVT Tây Ninh đã tuyển chọn, đưa vào lực lượng nhiều thanh niên ưu tú, nâng biên chế từ 2 tiểu đoàn lên 10 tiểu đoàn trong tháng 3 và tháng 4/1975. Lực lượng này dưới sự chỉ huy của ANVT miền Nam đã trở thành một mũi tiến công quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần đè bẹp nhiều ổ đề kháng của địch ở thành phố Sài Gòn và tiếp quản các mục tiêu đã được giải phóng ở khu vực Sài Gòn - Gia Định.
Hay như ANVT Biên Hòa (Đồng Nai) kiên trì bám trụ, luồn sâu vào tận hang ổ địch, tiêu diệt 850 tên, bắn cháy 71 xe bọc thép, 1 máy bay lên thẳng, bảo vệ địa bàn cửa ngõ Sài Gòn cho quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng thành phố. Đặc biệt, đêm 22/3/1975, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 180 ANVT tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Mỏ Công nằm trên trục lộ 22, cách thành phố Sài Gòn 70km, mở đường cho các lực lượng vũ trang ta tiến về giải phóng Sài Gòn...
Đăng Bảy