Bệnh nhân nam 49 tuổi (trú tại Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, sốt cao. Người đàn ông này có tiền sử bị bệnh gout 10 năm điều trị không thường xuyên.
Dịp Tết do ăn uống không điều độ và uống thuốc không đều nên bệnh nhân xuất hiện sưng đau khớp cổ chân phải và vỡ hạt tophi mặt ngoài khớp cổ chân phải kèm theo sốt 39 độ C.
Bệnh nhân vào Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lúc 10h ngày 2/2, sau đó chuyển lên Trung tâm Cơ xương khớp điều trị với chẩn đoán đợt gout cấp có nhiễm trùng hạt tophi mặt ngoài khớp cổ chân.
Đây là một trong những biến chứng của bệnh có thể tạo ra đường vào của vi khuẩn gây nhiễm trùng khớp, nếu trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch do corticoid rất dễ nhiễm trùng huyết.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Trung Dũng, Trung tâm Cơ xương khớp, cho biết, gout là bệnh rối loạn chuyển hóa các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng axit uric máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat trong khớp hoặc mô.
Hình ảnh bàn chân sưng đau vì gout của bệnh nhân. Ảnh: P.Thúy.
Nếu tinh thể urat lắng đọng ở khớp (sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận sẽ gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận).
Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, đỉnh khởi phát là 50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng dần cả hai giới nam và nữ ở các nhóm tuổi cao hơn. Bệnh thường có những đợt viêm kịch phát, tái phát nhiều lần.
Theo bác sĩ Dũng, những biểu hiện của bệnh gout viêm khớp cấp tính như sưng, đau khớp hay gặp khớp bàn ngón chân cái. Lắng đọng tinh thể urat ở các khớp cổ chân, bàn ngón chân cái, mỏm khuỷu, cổ tay… tạo hạt tophi. Sỏi urat trong hệ thống thận tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận. Xét nghiệm máu thường thấy axit uric tăng cao trên 400 micromol/lít.
Những người có nguy cơ bị mắc như có tiền sử gia đình, thừa cân và béo phì, ăn uống không hợp lý, ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin. Người nghiện rượu, bia hoặc dùng nhiều thuốc lợi tiểu làm tăng axit uric.
Người bệnh cần giữ 3 nguyên tắc:
- Chống viêm khớp trong đợt cấp.
- Dự phòng đợt cấp tái diễn và hạ axit uric máu sau khi đã qua đợt cấp dựa vào chế độ ăn uống.
- Dùng thuốc giúp giảm tổng hợp hoặc tăng đào thải axit uric.
Những người không có biểu hiện viêm khớp cần điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh cần phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của thầy thuốc về chế độ điều trị, bao gồm thuốc men và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.
Người bị gout mạn tính cần được kiểm tra chức năng thận và sỏi thận định kỳ, giảm cân và tập luyện thể dục thể thao.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế thực phẩm chứa purin như hải sản, các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, bò, ngựa, dê, thịt thú rừng, nội tạng động vật, trứng gia cầm. Hạn chế uống nhiều bia, rượu mạnh, cà phê làm tăng tích lũy axit uric trong máu và làm dễ lắng đọng urat tại khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân bị gout duy trì uống đủ lượng nước 1,5-2 lít/ngày để tăng cường đào thải lượng axit uric bằng đường nước tiểu hạn chế lắng đọng ở thận.
Phương Thúy