Ngày 1/4, trao đổi với PV VietNamNet, bác sĩ H’Nuen H’Đơk, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang điều trị cho 4 bệnh nhân do nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn tiết canh thỏ và thịt thỏ.
Bác sĩ đang thăm khám các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng do ăn thịt thỏ. Ảnh: CDC Đắk Lắk
Theo thông tin ban đầu, cách đây khoảng 2 tuần, ông T.V.H. (44 tuổi, ngụ huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cùng ông N.T.K. (40 tuổi), N.Đ.T. (30 tuổi) và L.C. (31 tuổi) ra quán mua tiết canh thỏ cùng các món được chế biến từ thịt thỏ về nhậu.
Một tuần sau cuộc nhậu, ông H. bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, chi yếu. Lúc này ông H. đi khám và lấy thuốc uống nhưng không đỡ nên phải nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột.
Chiều 24/3, ông H. được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi viêm màng não do virus.
Liên tiếp từ ngày 26/3, 31/3 và sáng 1/4, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 3 bệnh nhân còn lại trong tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, theo dõi viêm màng não.
Bác sĩ H’Nuen H’Đơk, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) thông tin, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, nhận thấy cả 4 người đều ăn tiết canh thỏ, có các biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, yếu chi giống nhau nên khoa nghi ngờ các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sán não.
Do đó, các bác sĩ đã chọc dò dịch não tủy. Kết quả cho thấy các bệnh nhân đều bị nhiễm ký sinh trùng. Qua các triệu chứng lâm sàng và thời gian ủ bệnh, các bệnh nhân có thể nhiễm ký sinh trùng giun tròn.
"Cả 4 bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ từ 2 đến 3 tuần để diệt ký sinh trùng", bác sĩ H’Nuen H’Đơk cho biết.
Bác sĩ H’Nuen H’Đơk khuyến cáo, viêm màng não là bệnh do nhiễm ký sinh trùng thường, tác nhân lây nhiễm xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa bởi ăn các thức ăn còn tái sống có chứa mầm bệnh nên người dân cần nấu chín các loại thức ăn.
Hải Dương