Tuyên truyền về an toàn giao thông trong học đường
Nhiều tồn tại
Anh Nguyên Lộc (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) bày tỏ: “Nhà tôi cách trường 7km, ai cũng phải đi làm kiếm sống, thời gian đâu đưa rước, đành cho con chạy xe máy. Nếu quy định không cho học sinh chạy xe máy thì biết làm sao?”. Nghe hàng xóm nói, anh Huân tiếp lời: “Vậy đã là gì, nhà tôi cách trường học của con 15km, buổi trưa cháu không thể về nhà, bởi sẽ mất thời gian. Chưa kể lúc học thêm, học ngoài giờ… Sắm chiếc xe máy cho con đến trường, khi cần thiết người nhà cũng có thể sử dụng, mỗi người 1 chiếc riêng biệt thì rất bất tiện và tốn kém”.
Quan điểm về việc mua xe máy cho con sử dụng đến trường dù chưa đủ tuổi, phụ huynh có nhiều góc nhìn khác nhau. Xét theo điều kiện kinh tế, nếu trường học quá xa, không thể chạy xe đạp, thì có thể mua xe đạp điện, khá hơn thì xe máy điện hoặc xe 50 phân khối. “Từ vụ việc nhóm “quái xế” gây tai nạn giao thông ở Hà Nội, phụ huynh nên cân nhắc chuyện giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi. Các cháu chưa có kinh nghiệm điều khiển phương tiện, gặp sự cố bất ngờ sẽ lúng túng trong cách ứng xử, xử lý. Thực tế hiện nay, không kể đến hoàn cảnh gia đình, một số phụ huynh nuông chiều con, không chú ý đến việc chấp hành pháp luật của con khi điều khiển phương tiện, vô tình tạo nên tiền lệ xấu” – anh Thanh Vân (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Kiểm tra phương tiện học sinh ở các trường học
Quả thật, đôi khi văn hóa giao thông đã bị lãng quên ngay trong gia đình, khi bố mẹ chưa nghiêm túc chấp hành luật giao thông đường bộ. Không hiếm gặp hình ảnh phụ huynh đưa rước con em trước cổng trường gây mất trật tự ATGT, chạy ngược chiều, không đội nón bảo hiểm, chở 3, vượt đèn đỏ… Người lớn chưa nêu gương thì sao có thể đòi hỏi con trẻ làm theo cho tốt? Đáng nói, nhiều học sinh dù biết luật vẫn không chấp hành. Đơn giản như việc đội nón bảo hiểm, viện lý do là "quên", "quá vội", nhưng thực chất nhiều em sợ đội nón sẽ làm hư kiểu tóc hoặc không đội trông sẽ “ngầu” hơn bình thường.
Một vị trong ban giám hiệu trường THPT ở TX. Tân Châu cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều gia đình vẫn cho phép học sinh lái xe máy khi chưa đủ tuổi. Ở góc độ nhà trường, giải pháp chủ yếu là giáo dục tuyên truyền. Khi học sinh tham gia giao thông bên ngoài nhà trường, nếu được lực lượng tuần tra thường xuyên sẽ giúp học sinh cẩn trọng hơn. Việc giáo dục tuyên truyền học sinh tham gia giao thông an toàn cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Ngoài các giải pháp của nhà trường, cần sự quan tâm thường xuyên của phụ huynh.
Chuyển biến nhận thức
Em Thái Công Định (học sinh Trường THCS – THPT Phú Tân) cho biết: "Những ngày qua, lực lượng công an đến trường kiểm tra kết hợp tuyên truyền, em cũng được nhắc nhở khi tham gia giao thông phải đủ tuổi, đội nón bảo hiểm đạt chuẩn, không “độ” pô, “đôn” máy, chạy đúng lề, đúng làn đường, không chạy hàng 3, hàng 4… hay lạng lách, đánh võng". Trong các buổi truyền thông, nội dung cốt lõi cung cấp cho học sinh là phải tuân thủ pháp luật, đi đúng làn đường, mang theo giấy tờ. Chấp hành pháp luật về giao thông rất cần thiết trong xã hội hiện nay, do mật độ lưu thông ngoài đường ngày càng nhiều, đông đảo đối tượng, ai cũng cần có trách nhiệm với sự an toàn của bản thân nói riêng và mọi người nói chung.
Hàng ngày, ông Minh Mẫn (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) chở hàng nông sản hướng từ bến phà Năng Gù đến TP. Long Xuyên. Trên đường đi có khá nhiều điểm trường, học sinh qua đò, qua phà, cao điểm giờ tan tầm lưu thông vừa khó khăn, vừa thấp thỏm vì học sinh lạng lách, vô tư đùa giỡn. "Đầu năm học đến nay, tôi thấy lực lượng cảnh sát giao thông đến trường học thường xuyên. Gia đình có người từng bị tai nạn giao thông, con gái đang học cấp 2 mới tự chạy xe đến trường, vì vậy tôi rất quan tâm. Tôi đồng tình việc xử lý trường hợp không chấp hành pháp luật giao thông. Ngoài ngành chức năng, nhà trường thì ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm, ý thức nhắc nhở con cháu, chú ý và theo dõi chúng thường xuyên” – ông Mẫn trần tình.
Thầy Phan Hữu Hạnh (Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, TX. Tân Châu) thông tin, từ đầu năm học, nhà trường đã ký cam kết với cha mẹ và học sinh; nghiêm cấm học sinh đi xe môtô, gắn máy đến trường; bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Đồng thời, phối hợp công an các cấp giám sát việc học sinh tham gia giao thông trên đường; lồng ghép tuyên truyền trong các môn học, buổi chào cờ, sinh hoạt lớp và ngoại khóa… Vì vậy, ý thức của học sinh đã chuyển biến tích cực. Đoàn thanh niên của trường còn hỗ trợ thu thập biển số xe, loại phương tiện đi học của toàn thể học sinh, từ đó phát hiện, có biện pháp giáo dục kịp thời khi học sinh chưa thực hiện tốt ATGT.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng công an chú trọng xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh.
Trách nhiệm chung
Thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự ATGT trong lứa tuổi học sinh theo chỉ đạo của Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, đảm bảo 100% giáo viên, học sinh tiếp thu kiến thức pháp luật cơ bản nhất. Khi tham gia giao thông đường bộ, phải đảm bảo quy định về độ tuổi lái xe, kỹ năng lái xe an toàn, giữ an toàn cho bản thân và mọi người. Song song với tuyên truyền, lực lượng còn tuần tra, kiểm soát, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với học sinh, từng bước hình thành thói quen chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Hướng dẫn đội nón bảo hiểm đúng cách, an toàn
“Thời gian qua, lực lượng công an xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Đồng thời, gửi xác minh đến nhà trường, thông báo trường hợp vi phạm để có biện pháp giáo dục. Chúng tôi còn phối hợp với công an xã, thị trấn thực hiện tốt việc giải tỏa, lấn chiếm hành lang ATGT, buôn bán vỉa hè trái phép để tạo đường thông hè thoáng, người dân lưu thông thuận lợi, thông suốt” – thượng úy Huỳnh Long Hồ (Đội Cảnh sát Giao thông, trật tự Công an huyện Phú Tân) cho biết.
Thời gian tới, trong công tác tuyên truyền, ngoài đối tượng học sinh, giáo viên, công an còn hướng đến phụ huynh để phổ biến quy định không giao xe cho các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Đồng thời, tuyên truyền mức phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe; phản ánh, lên án hành vi giao xe cho các em gây vi phạm pháp luật trật tự ATGT. Thông qua các buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia cung cấp hình ảnh vi phạm trật tự ATGT đối với cá nhân, tổ chức cho lực lượng công an để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. Mỗi người dân là một cộng tác viên với lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
"Hiện nay, sử dụng mạng xã hội trên các nền tảng tạo chú ý rất nhanh, sức lan tỏa lớn. Dựa vào thế mạnh này, ngoài xây dựng tiểu phẩm truyền thông trực tiếp về ATGT, có thể tăng cường thiết kế video clip ngắn, tiểu phẩm được quay dựng mang tính cảnh báo, tái hiện vụ việc vi phạm, nhằm thu hút, lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều lứa tuổi khác nhau" - sinh viên Đặng Văn Tính (Trường Đại học An Giang) đề xuất.
MỸ HẠNH – PHƯƠNG LAN