An toàn nhà cao tầng khi xảy ra động đất

An toàn nhà cao tầng khi xảy ra động đất
một ngày trướcBài gốc
Theo các chuyên gia, việc thiết kế kháng chấn cho các tòa nhà cao tầng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho công trình, con người trước rủi ro thiên tai
Ngày 28-3, nhiều người dân, đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng tại TP HCM cảm nhận rung lắc. Hiện tượng được ghi nhận sau khi xảy ra trận động đất 7,7 độ tại Myanmar.
Rà soát, kiểm tra an toàn các nhà cao tầng
Sau khi dư chấn đi qua, ban quản lý một số chung cư trên địa bàn TP HCM đã chủ động triển khai các biện pháp như kiểm tra hệ thống kỹ thuật, kết cấu chịu lực và theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng. Trong đó, cư dân tại chung cư Diamond Riverside (phường 16, quận 8) đã phản ánh tình trạng gạch lát sàn bị bong và tường xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. UBND quận 8 cho biết qua rà soát, kiểm tra toàn bộ chung cư trên địa bàn, chỉ ghi nhận chung cư Diamond Riverside có phản ánh hiện tượng này, với khoảng 300 căn hộ xuất hiện vết nứt. Kết quả kiểm tra cho thấy những vết nứt này không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của tòa nhà. Sau khi tiếp xúc và kiểm tra hiện trạng, người dân đã hiểu tình hình và yên tâm hơn. Chính quyền địa phương cùng Sở Xây dựng TP HCM và công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho chung cư đã làm việc với ban quản trị để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giải quyết vấn đề liên quan.
Trong khi đó, tại chung cư The Gold View (quận 4), cư dân cũng phản ánh về hiện tượng rung lắc. Một số căn hộ ở tháp A cho biết xuất hiện vết nứt ở xung quanh cửa sổ và nứt vữa. Ban quản lý chung cư đã rà soát các khu vực và ghi nhận có nứt vữa ở khu vực hành lang công cộng và thang thoát hiểm. Ban quản lý tháp A của chung cư đã báo cáo tình hình lên chính quyền địa phương.
Trước tình hình này, Sở Xây dựng TP HCM cho biết sẽ có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các chủ đầu tư, ban quản trị chung cư tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dư chấn lên các tòa nhà cao tầng, chung cư và báo cáo tình hình ảnh hưởng trên địa bàn.
Bộ Xây dựng yêu cầu TP HCM báo cáo việc hàng trăm căn hộ ở chung cư Diamond Riverside bị nứt tường, bong tróc nền
Cần thiết kế kháng chấn đến mức nào?
TS Đỗ Thanh Hải, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho biết việc thiết kế kháng chấn cho tòa nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay tuân thủ theo TCVN 9386:2012 và quy chuẩn QC02:2022 để xác định sự cần thiết của việc tính toán thiết kế kháng chịu động đất. Ông Hải lý giải: miền Bắc thường có gia tốc nền cao hơn, do đó yêu cầu thiết kế kháng chấn là bắt buộc ở các địa phương theo tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 chia giá trị gia tốc nền thành ba ngưỡng: từ 0,08 g trở lên, công trình phải tính toán và cấu tạo kháng chấn; từ 0,04 g đến dưới 0,08 g, chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ; và dưới 0,04 g thì không cần thiết kế kháng chấn. Theo bảng phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính, tại TP HCM chỉ có khu vực TP Thủ Đức có giá trị đỉnh gia tốc nền cao nhất là 0,06 g, trong khi các vùng khác thấp hơn ngưỡng này. Vì vậy, nhìn chung, các công trình tại TP HCM chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ khi thiết kế.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tấn Tiên, Trường Đại học Việt - Đức, nhận định TCVN 9386:2012 được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode 8) áp dụng cho nhà ở cao tầng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn này cũng đặt ra bài toán về chi phí, vì sự khác biệt giữa công trình có thiết kế kháng chấn và không có là rất lớn. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn, trong khi xác suất xảy ra động đất mạnh ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam được đánh giá là khá thấp. TS Tiên chia sẻ thêm yêu cầu kháng chấn sẽ khác nhau ở mỗi mức độ động đất; khu vực có động đất mạnh sẽ đòi hỏi công trình có khả năng kháng chấn cao hơn. Do đó, việc thiết kế kháng chấn cho công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô, mức độ quan trọng và vị trí địa lý.
Ông Mai Đức Chinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Quản lý và Phát triển Dự án Quốc tế cho biết trước năm 2006, việc thiết kế kháng chấn thường dựa trên các tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là của Liên Xô cũ và cấp động đất cho từng công trình được xác định theo chỉ dẫn của Viện Vật lý Địa cầu. Từ năm 2006 đến 2012, Việt Nam sử dụng TCXDVN 375:2006, tiêu chuẩn đầu tiên của quốc gia về lĩnh vực này, được biên soạn dựa trên Eurocode 8 và có sử dụng bản đồ phân vùng gia tốc nền của Việt Nam, theo đó TP HCM có gia tốc nền tham chiếu từ 0,06 - 0,09 ag, tương đương động đất cấp VII. Từ năm 2012 đến nay, TCVN 9386:2012 đã được áp dụng, và đến năm 2022, QCVN 02:2022 cập nhật bản đồ phân vùng động đất mới, theo đó gia tốc nền tham chiếu tại TP HCM giảm còn 0,06 ag, giảm 30%. Ông Chinh nhấn mạnh việc thiết kế công trình chịu động đất theo TCVN bảo đảm không bị sụp đổ dựa trên gia tốc nền thiết kế có xác suất vượt 10% trong 50 năm. Tuy nhiên, công trình vẫn có thể bị hư hỏng như nứt tường, bong nền nếu gia tốc nền vượt quá giá trị thiết kế và điều này là bình thường.
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND TP HCM yêu cầu báo cáo việc hàng trăm căn hộ ở chung cư Diamond Riverside bị nứt tường, bong tróc nền. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.
Bài và ảnh: QUỐC BẢO
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/an-toan-nha-cao-tang-khi-xay-ra-dong-dat-196250401211621142.htm