An toàn nước cho cuộc sống

An toàn nước cho cuộc sống
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều điểm mới, nổi bật
Đến nay, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia góp ý nội dung Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước và hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật Cấp, Thoát nước gửi Bộ Tư pháp thẩm định tại Văn bản số 7120/BXD-HTKT ngày 27/12/2024 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước đã bám sát 3 chính sách tại đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước được Quốc hội thông qua, bao gồm: Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.
Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước có nhiều điểm mới, nổi bật. Quản lý hoạt động cấp, thoát nước theo chu trình tuần hoàn nước (khai thác, sử dụng nước, thu gom xử lý nước thải và xả ra dòng chảy mặt), thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Xây dựng Cổng thông tin điện tử về cấp, thoát nước giám sát trực tuyến chất lượng dịch vụ cấp, thoát nước; kết hợp lưu trữ, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước. Quản lý quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thúc đẩy phát triển cấp nước có tính vùng, kết nối cấp nước đô thị với nông thôn, không phân biệt địa giới hành chính; kết nối tiêu thoát nước trong đô thị, khu dân cư với tiêu thoát nước thủy lợi, lưu vực sông, kiểm soát ngập úng. Quản lý tài sản công trình cấp, thoát nước gắn với quản lý cấp, thoát nước an toàn; kiểm soát các nguy cơ, rủi ro liên quan đến dịch vụ cấp, thoát nước. Quy định giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước có tính yếu tố đảm bảo an sinh xã hội, có tính đặc thù, chuyên ngành, vừa đáp ứng yêu cầu dịch vụ công ích được Nhà nước hỗ trợ, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh theo từng lĩnh vực, đối tượng dùng nước, xả nước thải, từng vùng miền. Thúc đẩy sự chung tay của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải thông qua nguồn vốn Nhà nước và lộ trình giá dịch vụ thoát nước từ thu hồi chi phí quản lý vận hành tiến tới bổ sung thu hồi chi phí đầu tư nhà máy xử lý nước thải; thúc đẩy đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP. Thống nhất quản lý nhà nước về cấp, thoát nước nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quản lý, phát triển hệ thống cấp, thoát nước bền vững
Khi được ban hành, Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước sẽ có tác động sâu, rộng đến sức khỏe, cuộc sống của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, pháp luật về cấp, thoát nước được điều chỉnh bằng Luật sẽ đồng bộ, thống nhất với hệ thống các Luật hiện hành; nâng cao vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải. Quản lý, phát triển hệ thống cấp, thoát nước bền vững từ công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác vận hành đến cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước; hướng tới mọi người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, sử dụng nước trực tiếp từ vòi; xử lý toàn bộ lượng nước thải nhằm bảo vệ môi trường; giảm thiểu ngập úng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động cấp, thoát nước; nâng cao chất lượng dịch vụ; kiểm soát, khắc phục, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro đối với dịch vụ cấp, thoát nước từ tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh chính trị. Huy động các nguồn lực Nhà nước, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong đầu tư, khai thác vận hành và cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ cấp, thoát nước.
Cục Hạ tầng kỹ thuật được Bộ Xây dựng giao là cơ quan chủ trì, thường trực Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Cấp, Thoát nước. Cục Hạ tầng kỹ thuật luôn đặt việc xây dựng Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát tiến độ và nâng cao chất lượng soạn thảo; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực cấp, thoát nước, kết hợp bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất các Luật hiện hành. Năm 2025, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục tập trung tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự án Luật Cấp, Thoát nước báo cáo Bộ Xây dựng trình Chính phủ theo tiến độ Quyết định số 586/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Cấp, Thoát nước được xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và công cụ quản lý đồng bộ, từ chiến lược, quy hoạch đến khai thác, vận hành, đảm bảo quản lý hiệu quả các công trình cấp thoát nước. Luật hướng đến mục tiêu cung cấp nước sạch ổn định, bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước cho người dân, thu gom, xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, thoát nước mưa và chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với định hướng ứng dụng công nghệ số, quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu thống nhất, Luật giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí và nhân lực. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước hiệu quả.
Ngày 09/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đồng chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Cấp, thoát nước. Dự án Luật Cấp, thoát nước với 8 chương và 65 Điều được kỳ vọng sẽ thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển cấp nước, thoát nước; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo cấp nước an toàn, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Khi xây dựng Luật, Bộ Xây dựng bám sát đặc thù của nước để xây dựng chính sách giá phù hợp; đảm bảo cấp an toàn; lập quy hoạch về cấp thoát nước; cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và vấn đề xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư; có những cơ chế đặc biệt, hỗ trợ những vùng khó khăn, người yếu thế. Đồng thời, có thêm một số quy định liên quan đến việc tuyên truyền tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước; quan tâm đến xử lý nước thải; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án liên quan tới quy hoạch cấp, thoát nước.
Nguyễn Minh Đức
Trưởng phòng Quản lý Cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/an-toan-nuoc-cho-cuoc-song-393339.html