An toàn từ những bếp ăn bán trú

An toàn từ những bếp ăn bán trú
2 giờ trướcBài gốc
Bữa ăn chiều của học sinh Trường Mầm non Lang Sơn.
Khẩu phần bữa ăn xế chiều của các em học sinh Trường Mầm non Lang Sơn hôm nay có cháo thịt băm. Cháo được hầm bằng nồi điện rồi chia đều ra những chiếc bát inox cách nhiệt, chia về các lớp khi còn ấm nóng. Cô giáo Lê Thúy Hằng - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trường quy mô nhỏ chỉ có 182 học sinh với 8 nhóm lớp, 100% phụ huynh đăng ký cho con ăn bán trú. Lứa tuổi của các con còn nhỏ so với các cấp học khác, việc bảo đảm ATTP được Nhà trường rất chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm cho các con, Nhà trường đã hợp đồng với 2 đơn vị cung cấp thực phẩm, trong đó có một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ngay tại địa phương và một cơ sở chuyên cung cấp đồ khô, gia vị. Các cơ sở này đều có uy tín lâu năm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhà trường còn lắp đặt 2 máy lọc nước để phục vụ việc nấu ăn hằng ngày cho học sinh”. Nhờ đó, nhiều năm qua, Trường mầm non Lang Sơn không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Cùng với đó, Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho cha mẹ học sinh biết và hiểu được việc sử dụng thực phẩm an toàn như thế nào để bảo vệ sức khỏe con em mình.
Khắc phục tình trạng cơ sở vật chất khu vực nhà bếp còn nhiều thiếu thốn, năm học 2024-2025, Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (đơn vị duy nhất khối tiểu học trong huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh) vẫn duy trì 650 suất ăn bán trú cho học sinh mỗi ngày. Để đảm bảo bếp ăn an toàn, các cô chăm nuôi đều được khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về ATTP. Cô giáo Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ cho bếp ăn bán trú được tươi ngon, an toàn, Nhà trường thường xuyên cử cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tham gia giám sát trong quá trình nhập thực phẩm hằng ngày. Thực đơn thay đổi theo ngày và được công khai trên bảng tin để phụ huynh tiện theo dõi”.
Năm học 2024-2025, huyện Hạ Hòa có 28 trường mầm non và một trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh với hơn 6.000 học sinh đăng ký bán trú. Sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT đã ban hành Công văn số 142/PGD&ĐT-NV gửi các trường học trên địa bàn về việc chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Phòng GD&ĐT yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục (nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; tăng cường công tác truyền thông ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về ATTP và sự cố ngộ độc thực phẩm trong trường học, huy động sự tham gia của Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học đồng thời tăng cường tự bồi dưỡng kiến thức về ATVSTP đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong nhà trường.
Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa sử dụng khay đựng inox để chia khẩu phần ăn học sinh, đảm bảo sạch sẽ, an toàn.
Quan sát thực tế tại một số bếp ăn bán trú cho thấy, hầu hết các bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện đều đảm bảo tiêu chuẩn một chiều và đun nấu bằng gas. Mặc dù nguồn nước tại các bếp ăn bán trú hầu hết là nước giếng khoan, nhưng đều được kiểm nghiệm định kỳ đảm bảo tiêu chuẩn. Nhìn chung các trường học trên địa bàn huyện đều coi trọng đến vấn đề vệ sinh, ATTP. Thời gian qua, Phòng Y tế thường xuyên phối hợp với Phòng GD&ĐT, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trường tổ chức bếp ăn bán trú đảm bảo quy trình 3 bước: Kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn. Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tiến hành ít nhất 1 lần/năm đối với mỗi trường.
Để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh, ATTP, các nhà trường cần tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trình độ, kỹ năng của cô nuôi, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh ATTP trong các nhà trường. Cùng với đó, việc kiểm tra định kỳ hay đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học là biện pháp nhằm kịp thời nhắc nhở và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với các cơ sở vi phạm.
Những bữa ăn bán trú chất lượng, ATTP cũng như dinh dưỡng đang được các nhà trường trên địa bàn huyện Hạ Hòa quan tâm thực hiện. Bởi bữa ăn có đảm bảo an toàn và ngon miệng mới cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ vui chơi và học tập hiệu quả mỗi ngày đến trường.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/an-toan-tu-nhung-bep-an-ban-tru-221509.htm