Trước khi bước vào phần thảo luận, Quốc hội đã xem một video clip tư liệu về thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 27/5, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu, nhất là những điều khoản liên quan đến tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.
Các đại biểu đã trình bày nhiều quan điểm khác nhau, thể hiện sự trăn trở trước những hệ lụy do loại tội phạm này gây ra cho xã hội.
"Không khoan nhượng với tội ác giết người hàng loạt"
Bày tỏ sự nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung, nhưng Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn bất cập. Bà đặc biệt nhấn mạnh đến quy định liên quan đến tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh với hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên.
Theo Đại biểu Thu Nguyệt, điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe với loại tội phạm này trong thực tế. Trong thời gian qua, vấn đề phạm tội sản xuất, buôn bán thuốc giả đã gây ra rất nhiều vấn đề, để lại cho xã hội nhiều hậu quả rất nặng nề. Tội phạm này đã làm ảnh hưởng, thiệt hại về vật chất, tài sản và đặc biệt là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người, do đó không nên khoan nhượng và cần có quy định mang tính răn đe.
“Nếu chúng ta khoan nhượng với tội danh này, có lẽ là vô hình trung tiếp tay cho việc giết người hàng loạt trong tương lai, ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng," bà Nguyệt nói.
Đại biểu Thu Nguyệt cho rằng điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe với loại tội phạm này trong thực tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong phiên thảo luận là việc giảm án tử hình cho một số tội danh, trong đó có tội sản xuất, kinh doanh thuốc giả.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã bày tỏ sự băn khoăn sâu sắc về vấn đề này. Bà nhấn mạnh không cần phải phân tích thêm về tác hại của những tội này. Tình hình hiện nay (cả ở Việt Nam và thế giới), những tội ác này đang gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Việc giảm án tử hình là "không có logic" và bà đặt câu hỏi về động cơ nhân văn của việc này. Cụ thể, nếu nhân văn với tội phạm thì thân nhân của những nạn nhân và những người đã chết vì những tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào.
"Với tất cả những thông tin đã tuyên truyền, đa số tất cả những tội phạm thuộc loại này đã biết hết hậu quả và tác hại gây ra cho người bệnh, nhưng vì lợi ích họ vẫn bất chấp," bà Lan nói đồng thời đề nghị giữ lại án tử hình đối với những trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng và thậm chí mở rộng khung hình phạt này đối với những trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi nếu nhân văn với tội phạm thì thân nhân của những nạn nhân và những người đã chết vì những tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Những góc nhìn khác nhau
Tuy nhiên, không phải tất cả các đại biểu đều đồng tình với quan điểm trên. Một số đại biểu cho rằng cần có một cách tiếp cận nhân văn hơn và việc giảm án tử hình là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 6 tội danh, nhưng đề nghị giữ lại hình thức này đối với tội tham nhũng, hối lộ và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) ủng hộ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, coi đây là một bước tiến trong việc thu hẹp hình phạt tử hình. Ông cho rằng quy định này sẽ làm cho việc xét xử được hợp lý hơn và đạt được ý nghĩa giáo dục, răn đe.
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bày tỏ sự thống nhất với việc này, nhưng cũng đề nghị có lộ trình nghiên cứu, đánh giá để đưa quy định này vào Bộ Luật Hình sự cho phù hợp và khả thi.
"Hiện nay, số lượng người nghiện ma túy chỉ được áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nghĩa là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thực hiện giáo huấn vừa cai nghiện, vừa chữa bệnh. Do đó tính phòng ngừa, răn đe không cao," bà Dung nói.
Cụ thể, bà Dung phân tích việc xử lý vi phạm hành chính đối với những người nghiện này đang có khó khăn và hiệu quả chưa cao, do vậy hình sự hóa thành tội phạm là phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng việc hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy cần phải đồng thời sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy để đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán của hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trước những ý kiến đa chiều từ các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt trước khi đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung, đảm bảo bám sát quan điểm của Đảng về chính sách hình sự, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ông cũng cho biết cơ quan soạn thảo đã thảo luận và thống nhất rằng trong trường hợp vận chuyển trái phép chất ma túy phục vụ trực tiếp cho hành vi buôn bán hoặc sản xuất ma túy, vẫn có thể tuyên án tử hình theo quy định hiện hành. Về việc tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, ông cho biết sẽ có cân nhắc và phân loại tương đối rạch ròi, chỉ áp dụng đối với những người đang cai hoặc đã cai kết thúc nhưng thất bại.
Dự kiến, dự án luật sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2025./.
(Vietnam+)