Theo Ban tổ chức, chương trình có sự tham gia của 20 chiếc đèn nước của 11 huyện, thị xã, thành phố; 5 chiếc ghe Cà Hâu gồm: Sở VHTT&DL, chùa Bưng Kok (huyện Mỹ Tú), chùa Tum Núp và chùa Bưng Tróp (huyện Châu Thành); chùa Prêk Ta Cuôn (huyện Mỹ Xuyên).
Người Khmer quan niệm rằng, sau một năm lao động sản xuất vầ sinh hoạt, con người đã làm váy bẩn, ô nhiễm môi trường nên con người phải cúng tạ lỗi. Vì thể, nghi lễ thả Đèn Nước là hoạt động văn hóa giàu tính nhân văn, mang ý nghĩa tạ ơn thần đất, thần nước và thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong được nhiều điều tốt lành hơn cho năm sau.
Theo ông Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng, trình diễn thả Đèn Nước và ghe Cà Hâu năm nay mang nhiều màu sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, phong phú, đa dạng, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền.
Bên cạnh đó, đây còn là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người vùng đất Sóc Trăng với nhiều di sản văn hóa, lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa đến du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.
Trước đây, những chiếc đèn Protip (hoa đăng) thường được làm bằng một chiếc bè chuối ghép lại với nhau thành chiếc thuyền, trên chiếc thuyền, đồng bào các phum sóc sẽ trang trí với nhiều mô hình như: chùa tháp, rắn thần Naga… với nhiều hoa văn lộng lẫy lộng lẫy và cách điệu, bắt mắt với những cây nến được thắp sáng xung quanh.
Khi đời sống của đồng bào được nâng lên, những chiếc đèn Protip từ gỗ, tre, trúc và mút xốp bố trí thành hoa đăng với nhiều kiểu dáng tạo hình đa dạng hơn, phong phú hơn, lắp ghép thành mô hình chánh điện, chim, rồng, công, hoa sen…
Ban tổ chức cho biết, sau lễ khai mạc, các Đèn Nước và ghe Cà Hâu sẽ bắt đầu hoạt động và đưa vào phục vụ du khách đến 23 giờ ngày 14/11.
Một số hình ảnh tại Lễ thả Đèn Nước và ghe Cà Hâu:
Hà Giang