An ủi và nâng đỡ

An ủi và nâng đỡ
5 giờ trướcBài gốc
Minh họa: AI.
Mở đầu các nội dung về Y đức, Hypocrate đã viết: “Trước hết, không được làm hại thêm đối với người bệnh”. Nguyên văn tiếng La Tinh trong bản gốc là: “Primum non nocere” đã được viết một cách trang trọng ở nhiều phòng khánh tiết, phòng truyền thống, phòng bảo tàng của nhiều trường Đại học Y khoa danh tiếng trên thế giới. Lý giải về lời dạy đầu tiên và quan trọng của Hypocrate như sau: Người bệnh vì đau đớn, lo sợ mà tìm đến ta để cầu cứu, để nhờ khám chữa bệnh, nếu chưa giúp hoặc không giúp gì được cho họ thì chí ít cũng đừng làm hại gì thêm cho người ta. Muốn thế, người thầy thuốc phải hội đủ hai yếu tố là phải có lòng thương người và phải có chuyên môn giỏi.
Nội dung của Y đức nói chung và của lời thề Hypocrate nói riêng do các tân khoa bác sĩ đọc khi ra trường có nhiều chi tiết rất hay, rất chuẩn. Xin trích dẫn sau đây một danh ngôn của Hypocrate được coi như chuẩn mực mà suốt một đời người thầy thuốc chân chính nào cũng phải tuân theo. Ông viết: “Một người thầy thuốc chân chính: Đôi khi chữa khỏi bệnh, suốt đời an ủi và nâng đỡ con người”. Câu danh ngôn này đã được khắc vào bia đá và được tạc dựng ở nhiều vị trí danh dự của một số Đại học Y khoa danh tiếng.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, các bác sĩ trẻ chúng tôi lúc đó đã ghi nhớ mãi mãi lời dạy đầy tâm huyết của giáo sư Đặng Văn Chung - vị chủ tịch Hội Nội khoa đầu tiên của Việt Nam, ông đã dạy: “Các bạn bác sĩ trẻ phải ghi nhớ: Người thầy thuốc giỏi là người phải biết khuyên nhủ bệnh nhân không nên hoặc rất ít khi phải dùng đến thuốc điều trị. Phải biết lấy sự điều độ trong sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao, có kỷ luật trong học tập và làm việc mới là những điều cơ bản để giữ gìn sức khỏe hàng ngày”. Đến nay khi đã trưởng thành trong nghề nghiệp Y khoa, chúng tôi và nhiều thế hệ thầy thuốc tiếp theo ngày càng thấm thía những lời dạy bảo của Hypocrate và của các thầy tiền bối trong ngành vì quá đúng, quá khoa học và rất thực tế trong việc hành nghề chăm sóc sức khỏe con người.
Trong cơ thể mỗi con người bình thường đều có một hệ thống miễn dịch bao gồm: Hệ thống các tế bào, các tổ chức, các hạch bạch huyết, các cơ quan có chức năng miễn dịch. Đó là các tế bào lympho T, lympho B, hệ thống liên võng nội mô, hệ thống các đại thực bào... luôn sẵn sàng thực hiện mọi chức năng để bảo vệ cơ thể khi có các tác nhân gây bệnh tác hại đến sức khỏe con người. Vì thế, tự mỗi con người phải có cách sinh hoạt, ăn uống điều độ, năng tập luyện thể dục thể thao, vệ sinh cơ thể hàng ngày, giữ gìn sạch sẽ nhà cửa và môi trường sống để phát huy tối đa cái hệ thống miễn dịch quý báu đó. Đó chính là nền tảng của Y học Dự phòng và của cách suy nghĩ đúng đắn, khoa học là: “Tự mình phải là người bác sĩ giỏi nhất cho chính mình”.
Cũng từ lời dạy của Hypocrate, chúng ta nhận rõ tầm quan trọng của sự an ủi, động viên, nâng đỡ người bệnh của một người thầy thuốc chân chính, đó là: “Đôi khi chữa khỏi bệnh”, “Suốt đời an ủi người bệnh” và “Luôn luôn nâng đỡ con người”.
Về “Đôi khi chữa khỏi bệnh”: Theo thống kê của một số Viện Hàn lâm Y học danh tiếng thì có đến 50% các bệnh thông thường tự khỏi nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc kịp thời. Chính nhờ có các thống kê về các bệnh tự khỏi này mà người ta có những cách tổ chức thực hiện như sau:
Phát triển và tổ chức tốt việc “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” tại các cộng đồng dân cư nhằm phát hiện sớm các bệnh dịch và điều trị tại nhà hoặc tại các trạm Y tế cơ sở gần nhất.
Xây dựng tốt hệ thống “Bác sĩ gia đình” và các dịch vụ “Khám, chữa bệnh, làm xét nghiệm tại nhà” để giảm áp lực cho các bệnh viện, cũng là để tránh những tiếp xúc đông người dễ lan truyền bệnh tật tại môi trường bệnh viện.
Nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc chữa bệnh dù bất cứ dưới hình thức nào trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, báo chí các loại, quảng cáo ngoài đường phố.
Quản lý tốt việc bán thuốc theo đơn và có kiểm soát chặt chẽ.
Quản lý tốt việc hành nghề Y tế tư nhân vì có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người.
Về “Suốt đời an ủi người bệnh”: Trong đời, ai cũng có lần đau ốm phải vào bệnh viện, phải làm xét nghiệm, phải chiếu chụp, phải nằm bệnh viện với sự lo sợ, đau đớn. Chính lúc đó, tiếng giầy êm ái của người thầy thuốc cùng cái mỉm cười thân thiện, ánh mắt trìu mến nhìn người bệnh và cái nắm tay đáng tin cậy đã làm cho người bệnh dịu bớt nỗi lo sợ và đau đớn. Sự an ủi kịp thời, sự giúp đỡ động viên người bệnh đúng lúc đã chứng minh có tác dụng rất tốt trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Trong thế kỷ XXI, ung thư nhiều loại đã được chữa khỏi, có loại kéo dài được hàng chục năm. Người ta cũng thống kê được có những bệnh nhân ung thư vì quá bi quan, không còn muốn hợp tác với thầy thuốc để theo đuổi chữa bệnh đến cùng, tự mình bỏ ăn, bỏ thuốc nên đã ra đi rất nhanh.
Như vậy, những lời an ủi, động viên của bác sĩ, điều dưỡng, người nhà bệnh nhân phải được coi là một nội dung của phương pháp điều trị tích cực, góp phần rất lớn trong quá trình điều trị, quá trình chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Trong điều trị các bệnh nhân liệt nửa người do hậu quả của đột quỵ não, vai trò của sự an ủi, động viên lại càng chứng tỏ có hiệu quả to lớn đối với người bệnh. Sống vui vẻ lạc quan yêu đời chính là phương thuốc chữa lành được mọi ốm đau, bệnh tật.
Về “Luôn luôn nâng đỡ con người”: Con người hình thành nên tổ chức xã hội kể từ khi còn đơn sơ, tiến đến hoàn thiện dần dần theo năm tháng, qua các thế kỷ, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã có được xã hội có tổ chức nhà nước hoàn thiện như ngày nay. Hơn 2000 năm đã trôi qua, các nhà khoa học tự nhiên, các nhà khoa học xã hội đã thấm thía được một điều rất rõ là: Yếu tố con người là quan trọng nhất, là chủ yếu nhất trong tất cả các giai đoạn phát triển của văn minh nhân loại. Nhà Giáo dục học vĩ đại của Liên Xô cũ, ông Makarenko (1888 – 1939) đã có một nhận xét để đời: “90% nội dung của Giáo dục là động viên, an ủi”. Ý kiến của Makarenko rất quan trọng vì ông hướng Giáo dục vào tinh thần, trí óc của con người cụ thể, con người bằng xương bằng thịt nhất định phải được chăm sóc, phải được nâng đỡ thì mới có nguồn nhân lực cụ thể để xây dựng và phát triển xã hội được.
Khép lại bài viết, nên ghi nhớ lời nhắc nhở của một Triết gia cổ đại là: “Một khích lệ nhỏ có thể nhen nhóm cho một thành công lớn”. Hy vọng những sự an ủi và nâng đỡ người khác mà chúng ta thực hành mỗi ngày sẽ góp phần nhen nhóm cho những thành công mà chúng ta mong đợi, chúng ta kỳ vọng có trong tương lai rất gần.
Trần Hữu Thăng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/an-ui-va-nang-do-10305842.html