Ăn uống healthy mà vẫn tăng cân, đây là sai lầm nhiều người mắc khi tưởng mình đang lành mạnh

Ăn uống healthy mà vẫn tăng cân, đây là sai lầm nhiều người mắc khi tưởng mình đang lành mạnh
một ngày trướcBài gốc
Tưởng đã loại bỏ thức ăn nhanh, cắt đường, ăn toàn “clean food” nhưng cân nặng vẫn không giảm, thậm chí có dấu hiệu tăng. Lý do không phải vì bạn ăn sai, mà có thể vì hiểu sai hoặc áp dụng lệch hướng.
Nhiều người mắc sai lầm khiến cân nặng không thể giảm.
Dưới đây là 4 sai lầm phổ biến khiến nhiều người tưởng mình đang ăn lành mạnh nhưng thực tế lại… nạp calo vượt mức.
1. Ăn quá nhiều hạt dinh dưỡng, bơ hạt, granola
Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia, bơ đậu phộng… đều là nguồn chất béo lành mạnh, giàu chất xơ và vi chất. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm thực phẩm có mật độ calo rất cao.
Chỉ 1 muỗng canh bơ đậu phộng chứa khoảng 100 -120 kcal. Một nắm hạt hạnh nhân 30g đã có thể cung cấp gần 200 kcal. Việc ăn “vô tội vạ” các loại hạt như một món snack lành mạnh có thể khiến tổng lượng calo trong ngày tăng cao hơn bạn tưởng.
Theo Harvard T.H. Chan School of Public Health, mặc dù hạt rất tốt cho tim mạch, nhưng để hỗ trợ giảm cân, liều lượng là yếu tố quyết định.
Các loại hạt chứa chất béo lành mạnh, chất xơ và vi chất nhưng lượng calo rất cao.
2. Uống sinh tố và nước ép tưởng “detox” nhưng lại nạp đường ẩn
Sinh tố trái cây, nước ép rau củ hay smoothie bowl đang trở thành trào lưu trong cộng đồng eat clean. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát thành phần, các món uống “healthy” này có thể chứa nhiều đường hơn cả nước ngọt đóng chai.
Khi ép trái cây lấy nước, bạn đã loại bỏ hầu hết chất xơ thành phần giúp kiểm soát đường huyết và tạo cảm giác no. Nếu thêm chuối chín, xoài, mật ong, sữa hạt có đường… thì mỗi ly smoothie có thể vượt quá 250-400 kcal, tương đương một phần ăn chính.
3. Lạm dụng thực phẩm dán nhãn “ăn kiêng”, “low-fat”
Nhiều sản phẩm đóng gói được quảng cáo là “ít béo”, “zero đường”, “ăn kiêng” nhưng lại chứa nhiều phụ gia, tinh bột tinh chế hoặc đường thay thế.
Không nên lạm dụng thực phẩm dán nhãn ăn kiêng.
Chẳng hạn, sữa chua “không béo” thường được bổ sung thêm đường để tăng vị ngon. Thanh protein bar ít calo nhưng lại nhiều chất bảo quản và syrup glucose. Những loại thực phẩm này không hẳn xấu, nhưng nếu dùng thường xuyên với tâm lý “ăn nhiều cũng không sao”, bạn vẫn có thể bị tăng cân.
Theo nghiên cứu đăng trên Nature, thực phẩm siêu chế biến là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tỷ lệ béo phì toàn cầu.
4. Ăn ít nhưng… thiếu protein và ăn không đúng thời điểm
Một sai lầm khác khi ăn “healthy” là quá chú trọng rau và trái cây, nhưng thiếu hụt protein và không kiểm soát thời điểm ăn uống.
Ăn ít nhưng thiếu protein là sai lầm những người giảm cân thường mắc.
Protein là yếu tố quan trọng giúp duy trì cơ bắp, tăng hiệu ứng nhiệt của thực phẩm và kéo dài cảm giác no. Thiếu protein khiến bạn nhanh đói, dễ ăn vặt, từ đó tăng lượng calo không kiểm soát.
Ngoài ra, ăn quá trễ vào tối, bỏ bữa sáng, hay nhồi nhét sau khi tập thể dục cũng khiến hormone chuyển hóa bị xáo trộn, ảnh hưởng đến khả năng giảm mỡ của cơ thể.
Ăn lành mạnh không có nghĩa là ăn bao nhiêu cũng được. Trong thế giới “healthy lifestyle”, cái bẫy lớn nhất là sự ảo tưởng rằng đã ăn đúng nên không cần kiểm soát.
Để giảm cân thực sự hiệu quả và bền vững, bạn cần hiểu rõ giá trị dinh dưỡng, điều chỉnh khẩu phần, lắng nghe cơ thể và nếu cần, hãy tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch ăn phù hợp với cơ địa.
Quỳnh Hoa
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/song-khoe/an-uong-healthy-ma-van-tang-can-day-la-sai-lam-nhieu-nguoi-mac-202505280713531319.html