Ăn vải, mít có 'nóng' không? Bà nội trợ tranh cãi, chuyên gia lên tiếng

Ăn vải, mít có 'nóng' không? Bà nội trợ tranh cãi, chuyên gia lên tiếng
8 giờ trướcBài gốc
Tranh cãi ăn vải, mít có nóng không?
Giữa mùa hè oi bức, câu chuyện ăn trái cây gì để “giải nhiệt” lại trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của nhiều bà nội trợ. Trong đó, mít và vải là hai loại trái cây đặc trưng của mùa hè, thường bị gán mác “hoa quả nóng”, khiến không ít người dè chừng.
Chị Bích Thu (40 tuổi, Hà Nội) than thở: “Mới ăn mấy múi mít buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau mặt đã nổi ngay hai cái mụn. Tôi còn nhớ có lần ăn vải nhiều, người cứ bứt rứt, khó chịu. Từ đó sợ luôn, chỉ dám ăn vài quả cho đỡ thèm”.
Nhiều người cũng quan niệm rằng, mít và vải là hai thức trái cây ăn vào là miệng lở, mụn mọc. Vì vậy cứ đến mùa hè, dù thèm nhưng cũng chỉ dám ăn vài quả cho đỡ nhớ vị.
Mít, vải là một trong những loại trái cây mùa hè được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa.
Trái ngược, chị Phạm Hồng Ngọc (32 tuổi, TPHCM) lại cho rằng: “Tôi có thể ăn cả nửa cân vải trong một lần mà không hề gì. Vấn đề chắc do cơ địa từng người thôi, chứ bảo vải, mít là ‘nóng’ thì chưa chắc đã đúng”.
Chính sự khác biệt trong trải nghiệm khiến mít, vải trở thành đề tài tranh luận bất tận trong các hội nhóm nội trợ. Có người khuyên nên tránh xa, có người lại cho rằng ăn bao nhiêu cũng không vấn đề, miễn là ngon.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Thị Hương Giang - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện 19-8 cho biết: “Thật ra, khái niệm ‘trái cây nóng’ là cách gọi theo kinh nghiệm dân gian, chứ trong y học và dinh dưỡng không có thuật ngữ chính thức nào gọi như vậy”.
TS Lê Thị Hương Giang, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện 19-8.
Theo TS. Lê Thị Hương Giang, sở dĩ nhiều người cho rằng ăn vải, nhãn, mít bị “nóng” là bởi nhóm trái cây này chứa lượng đường tự nhiên rất cao, chủ yếu là fructose và glucose. Khi ăn quá nhiều trong thời gian ngắn, cơ thể phải tăng cường chuyển hóa đường, dẫn đến tăng sinh nhiệt, gây cảm giác bứt rứt, nóng trong người, nổi mụn hay khó chịu.
“Đây cũng là những loại trái cây có hàm lượng năng lượng cao. Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố năm 2019, trong 100g ăn được thì vải cung cấp khoảng 70 kcal, nhãn khoảng 60 - 70 kcal, còn mít gần 95 kcal. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều, đặc biệt trong mùa hè, thì đúng là có thể gây cảm giác nóng”, TS. Lê Thị Hương Giang phân tích.
Ăn vải, mít bao nhiêu là vừa?
Theo khuyến cáo, một người trưởng thành có thể ăn khoảng 200 - 300g trái cây tươi mỗi ngày, tùy vào tổng năng lượng tiêu thụ và tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, nên kết hợp với uống đủ nước, ăn rau xanh để cân bằng.
“Không nên ăn mít, vải khi đói hoặc ngay sau bữa ăn chính, cũng không nên kết hợp với rượu, sữa hay nước có gas để tránh gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa”, TS. Lê Thị Hương Giang lưu ý.
Mít và vải không “nóng” theo nghĩa y học, nhưng ăn nhiều một lúc, đặc biệt vào những ngày nắng nóng, có thể gây cảm giác khó chịu cho một số người. Vì vậy điều độ, cân đối dinh dưỡng và lắng nghe cơ thể vẫn là cách tốt nhất để vừa thưởng thức vị ngon mùa hè, vừa bảo vệ sức khỏe.
Đan Tâm
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/an-vai-mit-co-nong-khong-ba-noi-tro-tranh-cai-chuyen-gia-len-tieng-169250703101122662.htm