Họa sĩ, nhà du hành André Maire. Ảnh: Tư liệu
“André Maire, sinh ở Paris năm 1898; học vẽ tại Trường Nghệ thuật Place des Vosges, nơi mà năm 1914 ông từng gặp cha đẻ của chủ nghĩa Tượng trưng - Émile Bernard và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ danh họa này. Rời Place des Vosges, ông theo lời khuyên của Émile Bernard trở thành một binh nhì trong lực lượng bộ binh thuộc địa để bắt đầu cuộc đời du hành ở Đông Dương”, Bảo tàng Museé Cernuschi (Paris) giới thiệu về tiểu sử họa sĩ André Maire.
Chàng trai Pháp mê viễn du đã gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa vào độ tuổi hai mươi. Chọn quân ngũ như là con đường để tiếp cận Đông Dương, nhưng khi tới Đông Dương, ông lại đi dạy vẽ. Thời gian dừng chân ở Sài Gòn từ năm 1919 đến năm 1920, khi là giáo viên mỹ thuật ở Trường Chasseloup-Laubat, Mandré Maire bị đời sống sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng của cư dân địa phương quyến rũ. Một số bức ký họa thành phố lớn, trung tâm của Nam kỳ có màu sắc dị lãm - hương xa (exotic) của ông đã ra đời trong khoảng thời gian này.
Các tác phẩm vẽ khung cảnh chùa Đà Lạt của André Maire từ năm 1948 đến năm 1950
Năm 1921, trở lại châu Âu, André Maire dấn thân vào cuộc du hành từ Tây Ban Nha, Ai Cập, Ấn Độ đến châu Phi và trở thành một họa sĩ xê dịch thực thụ, mỗi chuyến đi đến một quốc gia hay nền văn hóa xa lạ đều góp thêm sự giàu có cho gia tài tranh ký họa của ông.
Năm 1948, ông quay trở lại Đông Dương lần thứ hai, trong tư cách một họa sĩ, một giáo sư hợp đồng dạy môn Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt (một chi nhánh của Trường Mỹ thuật Đông Dương được mở tại Đà Lạt). Theo ghi chú trên họa phẩm, thì thời gian André Maire sống và vẽ ở Đà Lạt không lâu, chỉ khoảng hai năm, từ 1948 đến 1950. Thời kỳ này các bức tranh của ông có tính chủ đề rõ rệt, tập trung vào cảnh sinh hoạt tôn giáo.
Chợ Đà Lạt, 1952. Tranh: André Maire
Những bức ký họa thường bằng chất liệu chì son và chì than, đôi khi là màu nước, André Maire đã thể hiện một Đà Lạt của những năm cuối thập niên 1940 mang vẻ đẹp tươi mát, phiêu bồng và hướng thượng. Biểu hiện mạnh mẽ nhất của bàn tay con người tác động vào tự nhiên là con đường hình vòng cung mạnh và rộng hằn lên các ngọn đồi như những vết khảm mạnh, những dốc thẳm với đôi bờ đất đỏ, những bóng người hành hương, vãn cảnh. Trung tâm cảnh sắc là những ngôi chùa thường ở cao điểm của các ngọn đồi. Bảo tàng Cernuschi đã “cắt nghĩa” các bức tranh vẽ Đà Lạt của André Maire giai đoạn cuối thập niên 1940: “TP Đà Lạt được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20; nằm ở độ cao 1.500 m, trên vùng cao nguyên Nam Trung Bộ Việt Nam, nơi đây có khí hậu ôn hòa quanh năm. Trong những bức vẽ bằng chì son của mình, André Maire nhấn mạnh sự đa dạng văn hóa của đô thị này: bên cạnh bệnh viện Pháp, ngôi chùa Phật giáo mới Linh Sơn được xây dựng vào năm 1938 minh chứng cho sự gia tăng nhập cư của người Việt theo đạo Phật đến từ vùng đồng bằng. Có thể thấy thành phố cao nguyên đang bị người Việt Nam dần dà chiếm lĩnh...”. Trong một bức tranh vẽ cảnh quan chính diện chùa Linh Sơn, André Maire thể hiện tiền cảnh là hai bụi cây thùa lá tua tủa lá chông nhọn và đài hoa vút cao, đôi linh vật rồng uốn lượn hai bên bậc cấp đi lên chánh điện, những dáng cây mọc làm nền phông mạnh mẽ tạo cho khối công trình - gồm ngôi chùa thanh nhã có mái rồng và ngôi bảo tháp - vẻ đẹp hài hòa. Tổng thể công trình kiến trúc tôn giáo trung tâm của một đô thị cao nguyên gần như được chấp cánh bởi những đường nét khéo léo ở hậu cảnh - mà ta không phân biệt được đó là viền núi hay những đám mây - uốn lượn mềm mại phía sau mái chùa. Chuyển động của những dáng người, với áo dài và nón rộng vành trên các bậc thang lác đác, chậm và đọng. Bên bãi cỏ rìa phải bức tranh, có đôi ngựa đang mải mê gặm cỏ...
Trong một số bức vẽ khác, được ghi chú là “Esquisse plus claire au dos, même paysage des Hauts Plateaux de Dalat, 1948” (Tạm dịch: Phác họa rõ phông nền, phong cảnh Đà Lạt, năm 1948), ta thấy ngôi chùa lùi ra xa, như điểm nhấn trên một đỉnh đồi, trước những mỏm núi hình tròn điệp trùng và sau những tán thông cao, cùng ngôi biệt thự một tầng có cầu thang đơn giản. Phía sau, một vài dáng người đi lại, tụ tập đủ gợi tưởng hoạt động buôn thúng bán bưng ở một phiên chợ Đông Dương lúc về chiều. Cảnh sắc có cung bậc, diễn tả theo cao độ địa hình, bên cạnh sự hòa điệu của con người và những dấu hiệu nhận biết sinh hoạt đời sống đang biến đổi trong một đô thị.
Các tác phẩm vẽ phố phường và người bản địa tại Đà Lạt khi André Maire ghé thăm lại thành phố vào các năm 1952, 1955 và 1957 cũng đáng chú ý. Chúng như những ghi chép nhân học (ta thấy sự gặp gỡ về chủ đề, cái nhìn, phong cách với Bùi Văn Dưỡng - một họa sĩ, nhà giáo sống tại Đà Lạt thời bấy giờ). Thời kỳ này, tuy có vẽ không gian nhà cửa đô thị, song cây cọ của nhà du hành đến từ Paris dường như hướng sâu vào rừng thẳm với bóng dáng những cộng đồng khởi sinh từ đại ngàn như thể đó là một hành trình âm thầm, một cuộc đối thoại với nơi chốn bằng một con tim day dứt hoài niệm.
Dù rất ít thông tin về André Maire trong thời kỳ ông ở Việt Nam, nhưng những gì chúng ta có thể nhận ra qua các tác phẩm của ông là một tình cảm, một sự dõi nhìn thẳm sâu và tha thiết mà họa sĩ lữ hành này dành cho Đà Lạt trong một giai đoạn lịch sử văn hóa đặc biệt.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN