Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định kế hoạch này sẽ mất nhiều năm để mang lại hiệu quả rõ rệt và cần thêm các công cụ chính sách hỗ trợ đáng kể.
Theo tờ Politico ngày 15/5, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đã công bố kế hoạch hợp nhất hàng nghìn quỹ hưu trí tư nhân nhỏ lẻ thành khoảng 12 quỹ quy mô lớn, mỗi quỹ có giá trị tối thiểu 25 tỷ bảng (khoảng 31 tỷ USD), bắt đầu triển khai từ năm 2030. Mục tiêu của bà Reeves là xây dựng các quỹ có đủ khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược trong nước, từ đó vừa gia tăng lợi suất cho người gửi tiết kiệm hưu trí, vừa thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế.
Australia hiện là hình mẫu hàng đầu về tích lũy hưu trí trong khối các nền kinh tế phát triển, với tổng tài sản hệ thống hưu trí đạt 4.200 tỷ AUD (khoảng 2.770 tỷ USD). Mô hình hưu trí bắt buộc được triển khai từ năm 1992, yêu cầu người sử dụng lao động đóng toàn bộ phần đóng góp cho người lao động. Tỷ lệ đóng góp này dự kiến tăng lên 12% từ tháng 7/2025. Từ hàng nghìn quỹ ban đầu, hệ thống của Australia đã được tinh giản còn 95 quỹ do Cơ quan quản lý thận trọng phê duyệt, trong đó có 17 quỹ sở hữu trên 50 tỷ USD mỗi quỹ. Hai quỹ lớn nhất là AustralianSuper và Australian Retirement Trust hiện nắm giữ trên 300 tỷ USD tài sản mỗi quỹ.
Trong khi đó, tại Anh, hệ thống tiết kiệm hưu trí chỉ mới áp dụng chính sách tự động đăng ký từ năm 2012, với mức đóng góp trung bình chỉ khoảng 8% thu nhập, chia đều giữa người lao động và doanh nghiệp. Sự phân mảnh của các quỹ nhỏ, thiếu tính đồng bộ về hiệu quả và quy mô, đang là rào cản lớn trong tiến trình cải cách.
Ông Damian Moloney, Phó Giám đốc Đầu tư Quỹ AustralianSuper, nhận định rằng việc Anh tái cấu trúc toàn ngành hưu trí sẽ cần nhiều năm, tương tự kinh nghiệm của Australia trong hai thập kỷ qua. Theo ông, Chính phủ Anh có thể cân nhắc các công cụ như cấp phép nghiêm ngặt, hỗ trợ thuế cho sáp nhập quỹ, cho phép chuyển giao tài sản không cần sự đồng thuận của người gửi - những biện pháp từng giúp Australia thúc đẩy quá trình hợp nhất mạnh mẽ. Từ năm 2021, Australia còn áp dụng cơ chế đánh giá hiệu suất đầu tư bắt buộc, buộc các quỹ có hiệu quả thấp phải rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, hiện chưa có tín hiệu cho thấy Anh sẽ ban hành các biện pháp tương tự. Giới chuyên gia cảnh báo rằng nếu thiếu những điều chỉnh pháp lý đủ mạnh, kế hoạch của bà Reeves có thể gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là sự phản kháng từ các quỹ nhỏ không muốn hợp nhất hoặc không đủ điều kiện.
Một nội dung đáng chú ý khác trong kế hoạch là kỳ vọng các quỹ hưu trí quy mô lớn sẽ đầu tư mạnh hơn vào hạ tầng và doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có các cơ chế khuyến khích rõ ràng, thay vì áp đặt hành chính. Tại Australia, nhờ vào chính sách ưu đãi thuế như cơ chế khấu trừ thuế cổ tức và giảm 33,3% thuế lãi vốn cho các khoản đầu tư hưu trí, khoảng 50% tài sản của các quỹ hiện được đầu tư tại thị trường trong nước. Trong khi đó tại Anh, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%, giảm mạnh so với mức 50% cách đây một thập kỷ.
Ông Geoff Warren, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, cảnh báo việc ép buộc các quỹ đầu tư vào hạ tầng trong nước có thể gây lo ngại về việc sử dụng tiền hưu trí cho các mục tiêu chính trị - điều chưa từng xảy ra tại Australia. Ông nhấn mạnh rằng hạ tầng là lĩnh vực đòi hỏi quy mô lớn, chỉ những quỹ có tiềm lực tài chính đủ mạnh mới có thể tham gia hiệu quả. Vì vậy, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được các quỹ có quy mô đủ lớn và năng lực đầu tư chuyên sâu trước khi kỳ vọng vào vai trò chiến lược trong nền kinh tế quốc gia.
Tuấn Anh/Báo Tin tức và Dân tộc