Anh bất ngờ đổi hướng
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bóng gió rằng Mỹ sẽ không gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong tuần này, Vương quốc Anh bất ngờ chọn một hướng đi khác: nhanh chóng tham gia cùng Liên minh châu Âu áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Ngoại trưởng Anh David Lammy sau đó cũng nhanh chóng đưa ra một tuyên bố gây chấn động: London đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với Israel, triệu đại sứ nước này và công khai chỉ trích chiến dịch quân sự tại Gaza.
Trong cả hai trường hợp, London đều hành động theo hướng phù hợp hơn với Liên minh châu Âu (EU), thay vì tiếp bước Mỹ như truyền thống. Trước đó, khối này cũng áp dụng lệnh trừng phạt đối với "hạm đội bóng tối" của Nga gồm các tàu chở dầu Biển Đen, đồng thời gia tăng áp lực lên Israel về vấn đề Gaza. Khi Anh và châu Âu cùng phối hợp hành động, họ đang thể hiện một mức độ độc lập nhất định với Washington, khác hẳn thời điểm 1 năm trước.
Sự thay đổi này phản ánh một nỗ lực ngày càng rõ rệt của chính quyền Thủ tướng Keir Starmer nhằm thiết lập một bản sắc ngoại giao độc lập hơn, không nhất thiết đối đầu với Washington, nhưng đủ để thể hiện sự khác biệt về giá trị và phương pháp hành động.
Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Reuters
“Đây là tín hiệu cho thấy Vương quốc Anh sẵn sàng xác định các vị trí riêng, khác biệt với Mỹ và gần gũi hơn với các đồng minh châu Âu. Chính phủ Anh đang thận trọng mở rộng phạm vi hành động độc lập, dù vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ", chuyên gia Olivia O’Sullivan thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House nhận định.
Không ai dự đoán được chính xác rằng đây chỉ là sự đổi giọng nhất thời hay là bước đầu tiên trong tiến trình độc lập hóa chính sách đối ngoại của London. Hiện Anh và Mỹ vẫn là đối tác quan trọng về an ninh và tình báo. Ông Starmer đã khéo léo vượt qua những tháng đầu bất ổn trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump mà không bị cuốn vào làn sóng công kích cá nhân hay đối đầu thương mại, tránh được những mức thuế trừng phạt mà nhiều nước châu Âu khác phải hứng chịu.
Tuy vậy, những lợi ích từng gắn bó chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương giờ đây đang phân hóa khi ông Trump phá bỏ các nguyên tắc nền tảng của liên minh phương Tây, từ thương mại tự do cho đến cam kết với NATO. Quan hệ Mỹ-Nga được hâm nóng trở lại và việc Mỹ cân nhắc rút lui khỏi tiến trình hòa đàm là ví dụ rõ nét nhất.
Trong bối cảnh đó, Anh và Liên minh châu Âu đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn, đồng thời định hình một lộ trình riêng nhằm hỗ trợ Ukraine. Tuần này, hai bên đã công bố một sáng kiến hợp nhất mới liên quan đến tài trợ và mua sắm quốc phòng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tách mình khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào chiến lược an ninh do Mỹ dẫn dắt.
Tuần trước, ông Trump còn để ngỏ khả năng Mỹ sẽ tham gia vào chiến dịch gây sức ép buộc Tổng thống Vladimir Putin phải hướng tới một lệnh ngừng bắn. Nhưng sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với nhà lãnh đạo Nga mà ông mô tả là “tuyệt vời”, Tổng thống Mỹ dường như đã nghĩ lại. Ông Trump tuyên bố rằng tiến trình hòa bình phải do Kiev và Moscow tự định đoạt, cho thấy một sự rút lui rõ rệt khỏi vai trò trung gian trước đây của Washington.
Đáp lại, Anh áp đặt thêm 100 lệnh trừng phạt nhắm vào mạng lưới vận tải, ngân hàng và chuỗi cung ứng quân sự của Nga. EU cũng có những biện pháp tương tự. Sự khác biệt lập trường với Washington càng nổi bật khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gọi các biện pháp trừng phạt là "phản tác dụng", cho rằng chúng cản trở tiến trình đối thoại.
Cách tiếp cận tinh tế của Anh
Trong khi đó, Ukraine và các đối tác châu Âu như Đức tiếp tục thúc giục Mỹ cân nhắc lại lập trường. Nhưng London vẫn giữ thái độ dè chừng: không công khai chỉ trích ông Trump, cũng không phô trương sự bất đồng.
“Anh đang thay đổi lập trường trong im lặng, theo chiến thuật được gọi là "tránh chọc tức con gấu" (ám chỉ tới Mỹ). Tuy nhiên, chính phong cách lãnh đạo khó đoán và hay thay đổi của ông Trump đã tạo ra khoảng trống để Anh định hình lập trường riêng mà không bị quy kết là phản bội liên minh", chuyên gia Olivia O’Sullivan từ Chatham House nhận định.
Anh và EU ngày 19/5 đã ký kết các thỏa thuận an ninh mới, bao gồm một hiệp ước quốc phòng độc lập với NATO và chia sẻ quyền tiếp cận tài chính và mua sắm vũ khí. Các thỏa thuận này là một phần của các hiệp định rộng rãi đánh dấu mối quan hệ chặt chẽ nhất của Anh với lục địa này kể từ khi nước này bỏ phiếu rời khỏi EU gần một thập kỷ trước.
Thủ tướng Starmer từ lâu đã chủ trương “thiết lập lại” quan hệ với châu Âu. Nhưng chính nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump với xu hướng biệt lập, ủng hộ Brexit và kêu gọi sự tự chủ từ EU, lại trở thành động lực bất ngờ thúc đẩy tiến trình này.
Đáng chú ý, Anh và Mỹ cũng dần xuất hiện những bất đồng qua cách mà hai chính phủ này phản ứng trước vấn đề Gaza. Dù thường xuyên bày tỏ lo ngại về khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này, ông Trump vẫn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì không đủ "mạnh tay" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trái lại, ông Starmer đã cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Mark Carney kêu gọi Israel ngừng mở rộng chiến dịch quân sự và cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt cụ thể.
Ngày 20/5, London đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với Israel. Đại sứ Israel bị triệu tập, và chính phủ Anh chính thức tuyên bố lệnh phong tỏa Gaza kéo dài 11 tuần là “khủng khiếp và không thể chấp nhận được”. Vương quốc Anh cũng công bố các lệnh trừng phạt và cấm nhập cảnh đối với nhiều cá nhân và tổ chức định cư tại Bờ Tây.
Xuất hiện trước Hạ viện, Ngoại trưởng Lammy có một bài phát biểu gay gắt kéo dài 90 phút, nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng. Ông gọi chiến dịch của Israel là “vô đạo đức, hoàn toàn không công bằng và phản tác dụng”. Dù từ chối sử dụng từ “diệt chủng”, ông Lammy không giấu sự phẫn nộ trước thảm kịch nhân đạo đang diễn ra. Các quan chức cứu trợ cho biết vào cuối ngày 20/4 rằng 90 xe tải chở hàng cứu trợ đã vào Gaza, đánh dấu đợt vận chuyển thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đầu tiên trong hơn hai tháng.
Dù không cam kết công nhận nhà nước Palestine tại cuộc họp Liên Hợp Quốc sắp tới, ông Lammy xác nhận đang tham vấn với các đồng minh thân cận như Pháp và Canada, vốn cũng cân nhắc tới động thái này. Tờ New York Times dẫn lời một nghị sĩ đảng Lao động tiết lộ: “Nhiều người trong đảng hài lòng khi thấy chính phủ dám tạo khoảng cách với Washington về vấn đề Gaza. Chúng tôi vẫn ủng hộ quyền tồn tại của Israel, nhưng sự kiên nhẫn với Netanyahu đang cạn dần".
Theo một nguồn tin ngoại giao, sự chuyển hướng của London xuất phát từ “sự phẫn nộ thực sự” trước thảm cảnh ở Gaza, nhưng cũng phản ánh một chính phủ ngày càng tự tin vạch ra chính sách đối ngoại độc lập, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc không còn sánh bước với Mỹ trong các vấn đề an ninh.
Trong báo cáo mới được công bố ngày 12/5, Tổ chức Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tổng hợp (IPC) cho hay, đã có sự “suy giảm nghiêm trọng” về tình hình an ninh lương thực tại Gaza kể từ đánh giá gần nhất vào tháng 10/2024 và người dân nơi đây đang đối mặt “nguy cơ nạn đói ở mức nghiêm trọng”. Báo cáo nêu rõ: “Những hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của người dân đã cạn kiệt hoặc hết sạch trong vài tuần tới. Toàn bộ dân số đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, với khoảng 500.000 người - tương đương 20% dân số - đang trong tình trạng đói ăn”.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cũng cảnh báo, Gaza đang đối mặt “nguy cơ nạn đói cận kề” và ngành nông nghiệp ở đây “đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn”. Trong khi đó, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại miền nam Gaza, ông Jonathan Crickx cho biết, kho dự trữ do cơ quan này cung cấp trong giai đoạn ngừng bắn kéo dài hai tháng gần như cạn kiệt, đồng thời bày tỏ lo ngại sẽ chứng kiến thêm nhiều trẻ em tử vong.
“Có vẻ như Anh đang dần mất kiên nhẫn với Israel, có vẻ như một điều gì đó đang thay đổi. Và lần này, Anh đang bước đi theo cách riêng của mình", nguồn tin này cho biết.
Diệp Thảo/VOV.VN Theo The New York Times, CNN