+ Ông Trương Phi Cường - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng:
Ông Trương Phi Cường
Như chúng ta đã biết Mỹ đã áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia, trong đó, có Việt Nam với mức 46%. Tuy hiện nay Mỹ tạm hoãn việc áp thuế với mức này nhưng chúng ta vẫn bị 10% thuế cơ sở. Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Đà Nẵng có gần 10 đơn vị sản xuất và XK sang Mỹ, có kim ngạch XK chiếm từ 30 - 50%. Các nhà nhập khẩu Mỹ đang lấy cớ thuế cơ sở 10% để tạm dừng việc nhập khẩu nhiều lô hàng đang làm thủ tục XK sang Mỹ và đề nghị các DN ở Đà Nẵng đàm phán giảm giá bán mới tiếp tục nhập hàng… Do vậy, Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo Cục XNK, Cục Thương mại đa biên và Tham tán Thương mại của Việt Nam tại Mỹ tham khảo giúp việc sau khi Mỹ áp 10% thuế cơ sở thì giá bán sản phẩm gỗ tại thị trường Mỹ có tăng tương ứng 10% hay không ? Nếu giá bán không tăng thì các nhà nhập khẩu Mỹ không có cớ gì để yêu cầu các nhà XK Việt Nam chia sẻ gánh nặng thuế này với họ. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị trong vòng 90 ngày hoãn thuế đó, Bộ Công Thương tích cực đàm phán để hỗ trợ các DN Việt Nam không bị áp mức thuế này vì đa phần các DN sản xuất các sản phẩm gỗ từ nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng…
+ Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC):
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt.
Sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng vào ngày 2-4, Công ty chúng tôi là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng ngay, ảnh hưởng tức thì. Chúng tôi đã có các công văn gửi đến Hải quan, Cảng, Sở Công Thương TP, v.v… và đã nhận được sự hỗ trợ rất là tốt, tháo gỡ một phần nào đó cho DRC trong việc chi phí thời gian vừa qua. DRC là một đơn vị XK tương đối lớn, bình quân mỗi tháng đạt kim ngạch 12 - 13 triệu USD, trong đó, Mỹ chiếm đến 5 - 6 triệu USD. Chúng tôi biết câu chuyện áp thuế này không sớm thì muộn thôi chứ không phải đợi đến ngày 2-4 đối với các nước chưa có hiệp định thương mại tự do với nước ta. Nắm bắt được tình hình này, chúng tôi cũng đã chủ động và đa dạng hóa thị trường, XK sang các thị trường mới như: Brazil, Nga, Trung Đông, Nam Phi, v.v…
Nhưng vì câu chuyện áp thuế chống bán phá giá nên chúng tôi chưa đẩy mạnh được XK sang các thị trường này. Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi đề nghị có sự hỗ trợ ngay tức thì để DN vượt qua khó khăn trước mắt như: miễn, giảm, kéo dài thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho người lao động; các tổ chức tài chính cần có các gói cho vay với lãi suất thấp đối với DN; hỗ trợ DRC trong việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn XK sang thị trường trọng tâm Châu Âu trong thời gian đến; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đàm phán với phía Brazil để giảm mức thuế bán chống phá giá đối với sản phẩm lốp cao su Việt Nam từ 16% xuống càng sâu càng tốt; cho thành lập và hoạt động Quỹ hỗ trợ phòng ngừa rủi ro cho các DN XK; có các giải pháp kéo giảm các loại chi phí về logistics trong hoạt động XK…
+ Bà Lê Thị Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:
Bà Lê Thị Minh Thảo.
Thủy sản là một trong những mặt hàng XK của Việt Nam. Thuận Phước là 1 trong 5 công ty XK tôm lớn nhất Việt Nam sang thị trường Mỹ với kim ngạch XK chiếm tỷ trọng 30%. Mặt hàng thủy sản không xa lạ gì với hàng rào thuế quan của Mỹ vì cách đây 20 năm, chúng tôi đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, trong năm 2024 vừa qua, tiếp tục bị áp thuế chống trợ cấp với mức 2,84% và hiện đang chờ kết quả áp thuế chống bán phá giá POR 19. Cộng thêm với mức thuế 10% cơ sở nữa thì mức thuế XK thủy sản nói chung, mặt hàng tôm nói riêng đi Mỹ lên đến gần 20%, thì cánh cửa đi Mỹ hoàn toàn đóng lại đối với ngành tôm của chúng tôi. Do vậy, hiện chúng tôi rất cần sự hỗ trợ không chỉ của TP mà cả Trung ương để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP XNK Thủy sản Miền Trung.
Chúng tôi kiến nghị trước mắt, trong quá trình đàm phán với phía Mỹ, cần nêu rõ các mặt hàng XK sang Mỹ đã bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, v.v… để tránh tình trạng phía Mỹ áp thuế chồng thuế. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị giảm giá điện cho sản xuất, nhất là giá điện ở thời điểm cao điểm hiện cao gấp đôi so với thời điểm bình thường; giảm các khoản kinh phí về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn, v.v…; xem xét bố trí đất giúp chúng tôi phát triển vùng nuôi trồng thủy sản để tạo chuỗi sản xuất, cung ứng kép kín từ thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng đến chế biến, KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm), v.v… đáp ứng được tiêu chuẩn XK vào thị trường Mỹ…
PHÚ NAM (thực hiện)