Thiếu tá Vi Hồng Sơn với công việc thường ngày. Ảnh: XUÂN HIẾU
Thiếu tá Vi Hồng Sơn cùng đội ngũ nhân viên của Trạm Sửa chữa được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện xe - máy, thiết giáp, ca nô, tàu xuồng, trang thiết bị phòng chống lụt bão…
Tuổi trẻ sáng tạo
Là thợ cơ khí Trạm Sửa chữa, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật (từ 2013 đến nay), anh luôn tâm huyết, tận tụy trong công việc, nắm chắc những hỏng hóc thường gặp của vũ khí trang bị, nhất là những loại đã qua nhiều năm sử dụng, đang xuống cấp, vật tư thay thế khan hiếm, kịp thời sửa chữa, gia công, cải tạo lại và có các giải pháp khắc phục hiệu quả, mang tính đột phá cao.
Đặc biệt, anh đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn. Trong đó, sáng kiến “Hệ thống thang chống bão”, đạt giải A hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp quân khu và được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19. Hay sáng kiến “Bộ phận điểm hỏa súng cối” (nhóm tác giả) phục vụ huấn luyện đạt giải A; đề tài “Cải tiến máy hàn bấm, hàn điểm” đạt giải C, hội thi cấp tỉnh.
Năm 2020, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, để khoanh vùng ổ dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội hóa học... phải tiến hành phun thuốc diệt khuẩn bằng nhiều phương tiện, thiết bị thủ công, đòi hỏi bộ đội phải trực tiếp vào nơi có dịch, nguy cơ lây nhiễm cao.
Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, thiếu tá Vi Hồng Sơn đã cùng với đội ngũ lính thợ Trạm Sửa chữa nhanh chóng tập trung nghiên cứu, chế tạo 2 hệ thống phun thuốc khử trùng chống dịch lắp đặt trên xe Zil 130 và ISUZU, góp phần cùng đơn vị, địa phương phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Mới đây, thiếu tá Vi Hồng Sơn tiếp tục nghiên cứu và có sáng kiến “Thiết bị kiểm tra hiệu chỉnh súng bộ binh” tham gia hội thi Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật năm 2024 của LLVT tỉnh đạt giải khuyến khích.
Không ngừng học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
Sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, năm 2001, Vi Hồng Sơn xung phong lên đường nhập ngũ. Anh được cấp trên cử tuyển học lớp bảo quản, sửa chữa vũ khí ở Trường Quân sự Quân khu 5. Sau đó, trong quá trình công tác, anh theo học lớp Cơ khí (Trường trung học Kỹ thuật công nghiệp Tuy Hòa, nay là Trường cao đẳng Công Thương miền Trung), rồi học tiếp lên đại học, tốt nghiệp kỹ sư Cơ khí chế tạo máy (Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh).
“Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được phân công thì tự mình phải học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, nhất là trình độ nghiệp vụ, chuyên môn”, thiếu tá Vi Hồng Sơn tâm sự.
Vừa nghiên cứu, vừa thực hành và vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ chuyên môn, từ năm 2019 đến nay, thiếu tá Vi Hồng Sơn cùng đội ngũ lính thợ của Trạm Sửa chữa đã gia công, cải tạo hàng chục tủ súng các loại, 40 giá kê hàng, 7 trụ chống sét, 7 lán cứu hỏa cùng hàng trăm biển bảng xây dựng chính quy của các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh. Trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2021, anh đã gia công, lắp đặt khán đài, hội trường, nhà sa bàn, 2 nhà đạo diễn tại khu căn cứ chiến đấu (mô phỏng).
Ngoài ra, thiếu tá Vi Hồng Sơn còn tham gia cải tạo, sửa chữa 3 moóc kéo ca nô phục vụ diễn tập cứu hộ cứu nạn của huyện Tây Hòa năm 2022; bảo trì, sơn sửa 2 xe tăng, 2 máy bay và các trang thiết bị trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; làm mới mái che nhà rửa xe của Trạm Sửa chữa, chòi quan sát của Đại đội Kho kỹ thuật (Phòng Tham mưu) và gia công hệ thống biển bảng chính quy, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền, trang thiết bị của hai đơn vị này phục vụ hội thi do Quân khu 5 tổ chức, đạt thứ hạng cao.
Bên cạnh đó, là thành viên của Đội PCTT-TKCN Cơ quan Bộ CHQS tỉnh, thiếu tá Vi Hồng Sơn luôn có mặt tại những vùng trọng yếu để giúp dân kịp thời.
Nói đến nhiệm vụ của người lính trong thời bình này, thiếu tá Vi Hồng Sơn nhớ lại lần anh cùng đồng đội lái xuồng máy đi cứu bà con ở xóm Đồng Cháy (thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An) mắc kẹt giữa dòng nước lũ năm 2016.
“Hôm đó, chúng tôi nhận lệnh lên đường lúc 16 giờ và phải mất gần 3 tiếng xuồng máy mới đến được địa điểm cứu hộ. Lần đó tổ của tôi đã chở được 3 chuyến, kịp thời đưa bà con đến nơi tránh trú an toàn”, Sơn nhớ lại.
Thượng tá Đặng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh nhìn nhận: “Thiếu tá Vi Hồng Sơn là một thợ cơ khí giỏi, lao động sáng tạo, biết lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu vươn lên, có nhiều sáng kiến, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh”.
Với những kết quả đạt được trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu tá Vi Hồng Sơn nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở. Anh là một trong những quân nhân tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020 được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen.
XUÂN HIẾU