Ngã rẽ chuyển đổi
Khu vườn thanh long của anh Tạ Văn Luy được trồng trên 5 sào đất với thế đất “tựa sơn đạp thủy”. Đây là mảnh đất bao đời nay từ thời ông bà để lại, quanh năm trồng lúa, trồng ngô, đến đời anh đã trồng nhiều loại cây ăn quả lâu năm ngày dần cỗi, anh Luy mạnh dạn chặt bỏ đi hàng trăm gốc chanh đào, nhãn lồng cho năng suất thấp, và bắt đầu suy tính tìm hướng đi mới. Vốn là người ưa thích tìm tòi, học hỏi, anh lân la đi tìm giống cây, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu. Rồi anh lại quyết định “bới đất lật cỏ” trồng thanh long. Tuy nhiên, khi rộ vụ chính thu hoạch, trồng thanh long luôn trong vòng luẩn quẩn được mùa nhưng giá không cao.
Anh Luy thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng cây thanh long.
Anh Luy chia sẻ trong giai đoạn này, chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn lao động nông nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn. Đồng thời, anh đọc thêm các sách về khuyến nông, tìm kiếm thông tin trên báo, đài. Tìm tòi, nghiên cứu cả năm trời đã mở ra cho anh hướng đi trồng thanh long trái vụ, nâng cao cả về vẻ đẹp, chất lượng và giá trị.
“Xem thông tin qua các kênh báo, đài thấy ở miền Nam họ trồng được thanh long vào dịp Tết đến ra Giêng đều có bán ra ngoài Bắc giá lại rất cao, mà miền Bắc những dịp này cây lại không ra quả, vì thế ý tưởng có được vườn thanh long trái vụ được trồng trên chính mảnh đất quê hương mình là nỗi niềm ấp ủ của tôi”, anh Luy kể.
Canh tác theo tự nhiên, thanh long chỉ cho ra quả vào vụ chính từ tháng 6 âm lịch đến tháng 10 âm lịch. Muốn cho ra quả nghịch vụ, anh Luy phải thắp đèn trong vườn. Một vườn thanh long có thể thắp đèn nghịch vụ 2 - 3 lứa mỗi năm.
Để cho ra quả trái vụ vào dịp Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng, vườn thanh long của anh Luy được thắp sáng hằng đêm có khi đến cả tháng trời. Tùy từng giai đoạn và thời tiết, anh Luy điều chỉnh thời gian thắp đèn cho phù hợp, 4 - 6 tiếng/đêm. Thanh long là cây ưa ánh sáng trong khi đó mùa đông ở miền Bắc ít ánh sáng nên thắp đèn tạo thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển. “Đặc biệt thời tiết phải ủng hộ mình mới được, chúng tôi vẫn sản xuất theo hướng thuận thiên và luôn luôn đúc rút kinh nghiệm từ vụ này sang vụ khác thế mới dần hoàn thiện”, anh Luy bộc bạch.
Sau khi thử nghiệm thành công, năm 2020 anh Luy thu hoạch được gần 1 tấn thanh long trái vụ. Chất lượng quả đã ổn định nhưng lúc này, thách thức lại là tìm thị trường tiêu thụ. Thời gian đầu, ở xã Yên Phú chưa có ai trồng được thanh long vụ gối để cùng anh kết nối tìm nơi tiêu thụ. May mắn là anh đã tìm được và bán cho những xe thương lái đi buôn dọc quốc lộ qua xã. Đến khoảng năm 2023, người dân quanh vùng bắt đầu học hỏi mô hình của anh Luy về làm thanh long trái vụ.
Vườn thanh long trái vụ cho thu hoạch đúng dịp Tết và Rằm tháng Giêng.
Học hỏi mô hình của anh Tạ Văn Luy, năm 2023, bà Hà Thúy Cầm, thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú đã chuyển đổi trồng thanh long trái vụ, hiện vườn thanh long 90 gốc của bà Cầm cho thu lãi về trên 100 triệu đồng/năm. “Có thể nói một đợt trái vụ cho lợi kinh tế gấp 4 lần đợt chính vụ” - bà Cầm cười nói.
Canh tác khác biệt cho cây trồng lợi cao
Chia sẻ thêm phương pháp trồng cho quả theo ý muốn, anh cho biết tiếp tục phải xem lại thời gian thu hoạch chính vụ vào lúc nào để đánh đèn hợp lý. “Nếu làm sớm quá sau vụ chính thì quả không được lớn, đẹp, cần để cây nghỉ ngơi và chăm sóc khoảng một tháng trước khi vào trái vụ, làm muộn hơn thì thời tiết khiến quả không chín được vào đúng vụ theo ý muốn. Hằng năm, phải tính toán cho thanh long trái vụ chín vào khoảng tháng 11 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch” - anh Luy nói.
Để thanh long cho năng suất và chất lượng tốt, mỗi lần hái quả xong anh Luy bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ ủ mục như phân gà, phân lợn, rơm rạ phủ quanh gốc, vừa để cải tạo đất, vừa trồng theo hướng hữu cơ cho chất lượng quả ngon, ngọt hơn hẳn việc bón phân hóa học, chất lượng quả đảm bảo an toàn nên được nhiều khách hàng đặt mua, có khi đặt mua trước hết cả vườn. Thêm vào đó là tình trạng sâu bệnh cũng giảm rõ rệt. Đáng nói, khác với những kỹ thuật làm nông nghiệp thông thường muốn thu dọn sạch cỏ trong vườn cây, trong kinh nghiệm của anh Luy lại không cắt bỏ cỏ trong các luống trồng. Theo anh cỏ giúp giữ ẩm, chống xói mòn khi bón phân, giữ đất không bị trôi màu khi mưa xuống và làm đất tơi xốp rất tốt cho cây.
Anh Tạ Văn Luy hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long ra quả trái vụ cho người dân tại thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú.
Đi một vòng quanh khu vườn được trồng kín thanh long mới thấy hết được công sức của anh đổ xuống mảnh đất này. Điều đặc biệt nhất trong khu vườn là hàng trăm gốc thanh long ruột đỏ cây nào cũng có quả to đều, mã đẹp, quả nối tiếp nhau sai trĩu đỏ rực một cánh đồng. Anh Luy cho biết: “Vườn thanh long nhà tôi hiện trồng 200 gốc. Ở đất này, thanh long cho quả ăn đậm, ngọt, tai quả đẹp. Tôi đã thành công 5 năm nay làm được thanh long ruột đỏ ra quả trái vụ như ở miền Nam, riêng đợt trái vụ giờ đây cho thu hoạch hơn 5 tấn quả, giá bán dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, cả năm cho thu lãi trên 200 triệu đồng”.
Đồng chí Đặng Văn Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phú cho biết: “Anh Tạ Văn Luy là hội viên nông dân có niềm đam mê và cống hiến rất lớn đối với phát triển nông nghiệp của xã Yên Phú. Trên địa bàn xã có 40 ha thanh long, song chỉ có hộ anh Luy là tiên phong đi đầu áp dụng các điều kiện để thanh long ra quả trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Luy cũng luôn cập nhật những chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế nông nghiệp, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, hướng dẫn cách trồng thanh long ra quả trái vụ cho bà con trong xã để cùng học tập”.
Mai Dung