Anh Mạnh làm giàu từ sắn dây

Anh Mạnh làm giàu từ sắn dây
3 ngày trướcBài gốc
Anh Nguyễn Phúc Mạnh kiểm tra bột sắn dây trong lò sấy
Trước đây, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Phúc Mạnh chủ yếu dựa vào nghề trồng trọt, thu nhập bấp bênh do giá cả nông sản biến động thất thường. Nhận thấy cây sắn dây có giá trị dinh dưỡng cao và ngày càng được thị trường ưa chuộng, anh Mạnh đã mạnh dạn bước vào con đường kinh doanh với sản phẩm này.
Ban đầu, anh thử sức buôn bán củ sắn dây tươi, rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm đầu ra. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận cao do chi phí vận chuyển lớn, giá cả bấp bênh. Sau một thời gian, anh nhận ra rằng chỉ buôn bán củ tươi không thể tối ưu hóa giá trị của cây sắn dây. Từ đó, anh quyết định quay về quê hương, tập trung trồng sắn dây và tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ khi bắt đầu trồng sắn dây đến nay đã hơn 20 năm, anh Mạnh không ngừng tìm tòi, cải tiến phương pháp sản xuất. Ban đầu, vợ chồng anh chỉ làm bột sắn dây theo cách thủ công, tự tay nghiền, lọc, phơi khô từng mẻ bột. Phương pháp này vừa tốn nhiều công sức vừa cho sản lượng thấp, chưa kể chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh trên thị trường.
Không nản chí, anh Mạnh học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi và nghiên cứu công nghệ sản xuất bột sắn dây hiện đại. Sau nhiều năm tích lũy vốn, tìm hiểu thị trường, anh quyết định đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua hệ thống máy móc tiên tiến, bao gồm máy xay, máy lọc và máy sấy công nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ, bột sắn dây của gia đình anh không chỉ có độ mịn cao, thơm tự nhiên, giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng mà còn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Đến nay, mỗi vụ gia đình anh thu mua khoảng 100 tấn sắn tươi, chế biến thành 20 tấn bột sắn dây khô. Sản phẩm bột sắn dây mang thương hiệu Mạnh Mai của gia đình anh đã được xây dựng nhãn hiệu bài bản và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2024. Không chỉ tiêu thụ mạnh tại Hải Dương, bột sắn dây Mạnh Mai còn được phân phối sang các tỉnh, thành phố khác.
Hiện tại, anh Mạnh không chỉ thu mua sắn dây tươi của bà con trong xã, trong huyện mà còn mở rộng nguồn nguyên liệu từ các tỉnh lân cận. Thời điểm thu hoạch và chế biến sắn dây thường diễn ra từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch hằng năm. Cơ sở sản xuất của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Với anh Mạnh, thành công không đến trong một sớm một chiều. Để có được cơ ngơi khang trang như hôm nay, gia đình anh đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc.
“Có những mẻ bột phải đổ đi vì chưa nắm vững kỹ thuật, có lúc thua lỗ vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Nhưng với sự kiên trì và tinh thần không ngừng học hỏi, tôi luôn tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và kết nối với các kênh tiêu thụ lớn”, anh Mạnh chia sẻ.
Cơ sở sản xuất bột sắn dây của gia đình anh Mạnh tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Nhờ quyết tâm và định hướng rõ ràng, sản phẩm bột sắn dây của gia đình anh ngày càng được nhiều công ty dược phẩm tin tưởng thu mua để chế biến thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Theo anh Mạnh, để làm giàu từ nông nghiệp, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có uy tín trên thị trường. “Chỉ khi khách hàng tin tưởng, sản phẩm của mình mới có thể phát triển bền vững. Không thể nóng vội trong kinh doanh, nhất là với nông nghiệp. Bản thân tôi và vợ luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, giữ chữ tín với khách hàng. Vì vậy, dù trải qua nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề”, anh Mạnh nói.
Bên cạnh đó, tinh thần làm việc chăm chỉ cũng là yếu tố quyết định thành công. Những năm qua, cứ vào vụ sắn dây, vợ chồng anh Mạnh hầu như chỉ ngủ từ 2 - 3 tiếng mỗi ngày để kịp tiến độ sản xuất.
Hiện nay, anh Mạnh mong muốn có thể liên kết với nhiều hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sắn dây ổn định, bảo đảm nguồn cung lâu dài. Vợ chồng anh Mạnh hy vọng có thể giúp nhiều bà con nông dân có thêm thu nhập từ cây sắn dây.
MN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/anh-manh-lam-giau-tu-san-day-408179.html