Các nghiên cứu gần đây đang mở ra một góc nhìn mới tích cực hơn về lợi ích của ảnh nắng mặt trời với sức khỏe.
Trong nhiều thập kỷ qua, ánh nắng mặt trời thường được coi là “kẻ thù” của làn da. Những lời cảnh báo về tia cực tím, nguy cơ ung thư da và nếp nhăn sớm đã khiến không ít người xem ánh nắng như một hiểm họa cần tránh xa. Nhưng liệu ánh sáng mặt trời có hoàn toàn có hại?
Các nghiên cứu gần đây bắt đầu hé lộ một bức tranh phức tạp hơn, trong đó ánh nắng – nếu được tiếp xúc một cách điều độ – có thể mang đến những lợi ích sức khỏe bất ngờ.
Từ góc nhìn truyền thống: Tránh nắng bằng mọi giá?
Từ lâu, quan điểm phổ biến trong y học là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Tia cực tím (UV) có thể gây tổn thương ADN, đẩy nhanh quá trình lão hóa da và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư da, đặc biệt là u ác hắc tố (melanoma) – một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất.
Trong bối cảnh đó, giải pháp được đưa ra là sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF cao, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay hoặc thậm chí tránh ra ngoài vào những giờ cao điểm nắng gắt (từ 10h sáng đến 2h chiều).
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lucy McBride, chuyên khoa nội tại Washington, quan điểm này có thể đang quá cực đoan. “Cách tiếp cận “không ra ngoài nếu thiếu kem chống nắng SPF 50” coi ánh nắng như kẻ thù tuyệt đối. Trong khi đó, tiếp xúc với ánh nắng một cách vừa phải, phù hợp với mức độ rủi ro của từng người, có thể mang lại những lợi ích nhất định mà khoa học vẫn đang khám phá”.
Những “tia hy vọng” từ ánh nắng
Không thể phủ nhận ánh nắng mặt trời có thể gây hại nếu tiếp xúc quá mức. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngày càng quan tâm đến những lợi ích tiềm tàng mà việc phơi nắng mang lại, từ huyết áp, miễn dịch cho đến tâm trạng.
Nếu được tiếp xúc đúng cách, ánh nắng không chỉ vô hại mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe tim mạch, miễn dịch và tinh thần.
Giảm huyết áp và hỗ trợ tim mạch
Các nghiên cứu cho thấy huyết áp có xu hướng thấp hơn vào mùa hè so với mùa đông. Bác sĩ Richard Weller, nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh cho biết, ánh nắng có thể giúp cơ thể giải phóng nitric oxide, một loại khí giúp giãn mạch máu và làm giảm huyết áp.
Một nghiên cứu cũng phát hiện những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có nguy cơ suy tim thấp hơn so với nhóm ít tiếp xúc. Mặc dù chưa xác định được cơ chế đầy đủ, nhưng mối liên hệ này đang được giới khoa học tiếp tục khai thác.
Tác động đến tuổi thọ
Một nghiên cứu quy mô lớn tại Thụy Điển theo dõi gần 30.000 phụ nữ trong suốt 20 năm cho thấy: những người tránh ánh nắng có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với nhóm tiếp xúc nhiều nhất – mặc dù họ có nguy cơ mắc melanoma cao hơn. Phát hiện này làm dấy lên câu hỏi: liệu ánh nắng có thể góp phần kéo dài tuổi thọ?
Tăng cường hệ miễn dịch
Một nghiên cứu nhỏ ở bệnh nhân đa xơ cứng cho thấy tia UVB có thể kích hoạt tế bào miễn dịch, từ đó làm dịu tình trạng viêm và cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng UV đã được sử dụng để điều trị các bệnh lý da liễu như vẩy nến, viêm da cơ địa – những rối loạn có yếu tố miễn dịch.
Cải thiện tâm trạng
Ánh nắng mặt trời còn được cho là có khả năng nâng cao tinh thần nhờ làm tăng nồng độ serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa cảm xúc. Không ít người cảm thấy phấn chấn hơn sau khi dành thời gian ngoài trời, tắm nắng hay vận động dưới ánh sáng tự nhiên.
Không chỉ là vitamin D
Một trong những lý do phổ biến khiến các bác sĩ khuyến khích mọi người tiếp xúc với ánh nắng là để kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D – yếu tố quan trọng để hình thành và duy trì hệ xương. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Weller và McBride, cùng với các nghiên cứu cho thấy ánh nắng có thể tác động đến huyết áp và miễn dịch – lợi ích từ ánh nắng mặt trời có thể vượt xa vai trò sản sinh vitamin D.
Cân bằng giữa lợi ích và rủi ro
Dù những bằng chứng mới về lợi ích của ánh nắng đang xuất hiện, các chuyên gia đều đồng thuận rằng điều này không có nghĩa là nên từ bỏ kem chống nắng hay các biện pháp bảo vệ da.
Cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ảnh: iStock
Bác sĩ Elizabeth Ko (UCLA Health) nhấn mạnh, tiếp xúc có kiểm soát mới là chìa khóa. “Hãy tránh ánh nắng gay gắt vào giữa trưa và luôn trang bị bảo hộ nếu phải ra ngoài”. Những biện pháp như đội mũ, mặc áo dài tay, chọn giờ phù hợp hay ngồi dưới bóng râm vẫn nên được duy trì.
Bác sĩ McBride cho rằng đã đến lúc chúng ta cần vượt qua nỗi sợ tuyệt đối với ánh nắng: “Ung thư da là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng thay vì truyền đi thông điệp một chiều, hãy hướng đến sự cân bằng, cá nhân hóa và dựa trên bằng chứng”.
Ánh nắng mặt trời không phải là “kẻ thù không đội trời chung” với sức khỏe, cũng không phải là thần dược chữa bách bệnh. Vấn đề nằm ở thời gian và cách tiếp xúc.
Trong một thế giới mà mọi thứ đều cần sự cân bằng, ánh nắng cũng không ngoại lệ. Khi được “sử dụng” đúng cách – vừa đủ và đúng thời điểm – ánh nắng có thể là người bạn đồng hành đáng tin cậy cho sức khỏe của con người.
Hồng Nhung