Tôn giáo chân chính là nguồn lực phát triển
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 không chỉ là dịp tôn vinh Đức Phật mà còn là không gian đối thoại toàn cầu về hòa bình, từ bi và phát triển bền vững.
Trong dòng chảy đó, Thông điệp chúc mừng Vesak của Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung khẳng định mạnh mẽ bản lĩnh, tầm nhìn và chính sách nhân văn của Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo và dân tộc.
Thông điệp của Bộ trưởng gửi tới cộng đồng phật tử trong nước và quốc tế nhân dịp Đại lễ Vesak 2025 mở đầu bằng sự khẳng định đầy ý nghĩa: Tôn giáo không chỉ là đời sống tinh thần mà còn là nguồn lực xã hội đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
“Giáo lý từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật là kim chỉ nam cho mỗi cá nhân và quốc gia trong hành trình kiến tạo một thế giới hài hòa, phát triển bền vững” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tới nay, Việt Nam đã 4 lần đăng cai tổ chức Vesak, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Ảnh: Nguyễn Huế
Đây không chỉ là một lời chúc mừng mà là thông điệp chính trị sâu sắc: Việt Nam trân trọng và phát huy vai trò của các tôn giáo chân chính trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất quán với chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Chính sách tôn giáo đổi mới: Đồng hành và phát huy
Tới nay, Việt Nam đã 4 lần đăng cai tổ chức Vesak (2008, 2014, 2019 và 2025), để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Việc liên tục tham gia các sự kiện lớn như Vesak cho thấy Việt Nam không chỉ tôn trọng các giá trị tôn giáo, mà còn tích cực sử dụng giá trị này như một phần của sức mạnh mềm trong chính sách đối ngoại văn hóa và ngoại giao nhân dân.
Thông điệp của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung không chỉ khẳng định vị thế của Phật giáo trong lòng dân tộc, mà còn khẳng định Việt Nam là một điểm sáng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khu vực và trên thế giới.
Từ bảo đảm quyền thực hành tôn giáo của công dân, đến việc đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo trong hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, Việt Nam cho thấy một mô hình “hài hòa giữa đạo và đời”, ổn định nhưng cởi mở, nhân văn và phát triển.
Một điểm đặc biệt trong Thông điệp là tinh thần đổi mới trong tư duy quản lý tôn giáo. Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính, Nhà nước Việt Nam đang chủ trương đồng hành, tạo điều kiện và phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, để góp phần ổn định xã hội, gìn giữ đạo lý và thúc đẩy phát triển bền vững.
Việc nhấn mạnh Phật giáo như một lực lượng đồng hành cùng dân tộc, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục đạo đức, bảo vệ môi trường, y tế cộng đồng, an sinh xã hội… cho thấy một tầm nhìn tiến bộ và bao trùm.
Đây cũng là cách Việt Nam khẳng định với thế giới rằng: Chính sách tôn giáo không chỉ bảo đảm quyền mà còn phát huy giá trị và năng lực đóng góp của các tôn giáo trong xây dựng xã hội tốt đẹp.
Ánh sáng Vesak - Thông điệp toàn cầu từ Việt Nam
Từ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, ánh sáng từ bi và trí tuệ của đạo Phật một lần nữa lan tỏa từ Việt Nam ra thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức - như chiến tranh, chia rẽ tôn giáo, khủng hoảng đạo đức - thì tinh thần khoan dung, hòa hợp và hướng thiện trở thành giá trị phổ quát mà Việt Nam đang nỗ lực gìn giữ, cổ vũ và lan tỏa.
Thông điệp của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vì thế không chỉ mang tính nghi lễ, mà thực chất là một tuyên bố chính sách - một tuyên ngôn về vị trí, vai trò và tầm nhìn của Việt Nam trong kiến tạo tương lai hòa bình, bền vững dựa trên nền tảng văn hóa và giá trị tôn giáo.
Việt Nam không chỉ đang phát triển về kinh tế - xã hội, mà còn đang đi đầu trong thực hành các chính sách nhân văn, đạo lý, phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của thời đại.
Đại lễ Vesak 2025 là dịp để thế giới thấy rõ: Việt Nam không chỉ là quốc gia tôn trọng tôn giáo, mà còn là hình mẫu về sự hòa hợp giữa tâm linh và hiện đại, giữa truyền thống và đổi mới, giữa bản sắc và hội nhập.
Minh Dực