Anh thất bại trong mô phỏng tấn công tên lửa từ Nga: 'Báo động đỏ' cho phòng thủ châu Âu

Anh thất bại trong mô phỏng tấn công tên lửa từ Nga: 'Báo động đỏ' cho phòng thủ châu Âu
8 giờ trướcBài gốc
Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được phóng đi trong quá trình phóng thử nghiệm trong cuộc tập trận Lực lượng răn đe chiến lược Grom-2022 tại một địa điểm không xác định ở Nga. Ảnh: BQP Nga.
Quân đội Anh đã sử dụng một “môi trường tổng hợp” (synthetic environment) dựa trên các đợt tấn công ban đầu của Nga nhằm vào Ukraine để mô phỏng một cuộc tấn công đường không tiềm tàng nhằm vào lãnh thổ Anh – theo tiết lộ của Chuẩn tướng Không quân Blythe Crawford, người vừa nghỉ hưu trong vai trò Tư lệnh Trung tâm Chiến tranh Không gian và Không quân của Anh hồi đầu tháng này. Ông phát biểu tại Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia (RUSI) vào hôm 24/4.
“Chúng tôi đã nạp vào hệ thống mô phỏng đêm đầu tiên của chiến sự tại Ukraine và áp dụng nó lên môi trường nước Anh – và như các bạn có thể tưởng tượng, đó không phải là một bức tranh đẹp”, ông Crawford nói. “Điều đó càng nhấn mạnh thực tế rằng chúng ta cần phải hành động khẩn trương hơn nữa”.
Theo thông tin được biết, một số tên lửa trong cuộc mô phỏng đã xuyên thủng được các lớp phòng thủ của Anh.
Người ta thừa nhận rằng các hệ thống phòng không khó có thể đánh chặn toàn bộ các đòn tấn công quy mô lớn với mật độ cao, nhưng chiến lược phòng không thường sử dụng nhiều lớp hệ thống khác nhau để tiêu diệt càng nhiều mối đe dọa càng tốt.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Anh hoàn toàn sẵn sàng tự bảo vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào, cùng với các đồng minh trong NATO”.
“Lực lượng vũ trang của chúng tôi được trang bị nhiều năng lực tiên tiến để thực hiện chiến lược phòng không và phòng thủ tên lửa theo từng lớp”, người phát ngôn cho biết, trong đó có hệ thống tên lửa Sea Viper của Hải quân Hoàng gia – từng đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi hậu thuẫn bởi Iran bắn ở Biển Đỏ.
Anh hiện đang sử dụng một loạt các hệ thống phòng không như vậy, kết hợp với máy bay chiến đấu Typhoon để đánh chặn tên lửa, cùng với các hệ thống phòng không vác vai như Starstreak. Anh cũng là một trong nhiều quốc gia đang đầu tư vào các loại vũ khí năng lượng định hướng để bắn hạ máy bay không người lái (drone).
Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy trong một tòa nhà sau vụ đánh bom vào ngày 24/2/2022 tại thị trấn Chuguiv, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP.
Trong hơn 3 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow đã liên tục tấn công các thành phố, căn cứ quân sự và hạ tầng trọng yếu của Ukraine bằng tên lửa tầm xa. Điện Kremlin đã sử dụng kết hợp các loại tên lửa đạn đạo và hành trình – bao gồm cả những tên lửa được cung cấp bởi Triều Tiên, theo phương Tây – cũng như drone cảm tử (kamikaze) do Iran thiết kế.
Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn quan trọng – trong bối cảnh kho dự trữ của các quốc gia phương Tây đang dần cạn kiệt và số lượng hệ thống phòng thủ hiện có là rất hạn chế. Các hệ thống phòng không là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nga.
Hôm 24/4, Ukraine cáo buộc Nga tiến hành một cuộc tấn công kết hợp “quy mô lớn” trên khắp cả nước trong đêm, sử dụng 70 tên lửa hành trình và đạn đạo cùng 145 máy bay không người lái. Ít nhất 8 người thiệt mạng tại thủ đô Kiev và hơn 70 người bị thương, theo thông tin từ chính quyền Ukraine.
Không quân Ukraine cho biết vào sáng 24/4 rằng Nga đã phóng 11 tên lửa đạn đạo Iskander-M và KN-23 (của Triều Tiên), cùng với nhiều loại tên lửa hành trình và drone, bắt đầu từ 19:30 (giờ địa phương) tối 23/4. Ukraine tuyên bố đã bắn hạ được 48 trong số 70 tên lửa và 64 trong số 145 máy bay không người lái.
Hồi chuông cảnh tỉnh
“Ukraine đã khiến tất cả chúng ta phải giật mình tỉnh giấc”, ông Crawford phát biểu. “Điều đó đã thúc đẩy công việc mà chúng tôi đang làm tại Trung tâm Chiến tranh – nghiên cứu cách chúng ta có thể ứng phó nếu kịch bản tương tự xảy ra với Anh”.
Ông nhấn mạnh rằng nước Anh có thể sẽ gặp khó khăn nếu phải đối đầu với một loạt các mối đe dọa đồng thời – từ tên lửa cho đến drone – trong một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga.
Ông Crawford cho biết, trong thời gian dài, quân đội Anh luôn giả định rằng nhân lực và thiết bị của họ sẽ được an toàn khi đóng tại căn cứ trong nước – một giả định mà giờ đây cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Anh trước đó từng công bố hệ thống huấn luyện tổng hợp “Gladiator” với khả năng tái hiện “các kịch bản thực tế” trong diễn tập quân sự. Dự án này được cho là có chi phí gần 48 triệu USD.
Một chiếc MiG-31 của Nga được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzahl. Ảnh: Breaking Defense.
Tuy nhiên, cuộc mô phỏng vừa qua không bao gồm nhiều loại vũ khí “thế hệ mới” mà Nga triển khai sau này trong cuộc chiến – như tên lửa siêu vượt âm Zircon và Kinzhal.
Moscow đã nhiều lần sử dụng vũ khí siêu vượt âm tại Ukraine, và tuyên bố rằng chúng gần như không thể bị đánh chặn.
Dù các nhà phân tích phương Tây tỏ ra hoài nghi, Ukraine cho biết họ đã đánh chặn được một số tên lửa siêu vượt âm này nhờ hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5), tức hơn 6.100 km/h, và có thể cơ động trên đường bay, khiến việc theo dõi và đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn.
Tờ Financial Times đưa tin vào tháng 5/2024 rằng NATO mới chỉ có 5% năng lực phòng không cần thiết để bảo vệ các quốc gia thành viên ở Đông và Trung Âu nếu xảy ra một cuộc tấn công toàn diện.
“Một khi có thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, Nga có thể chuyển lực lượng và tấn công các đồng minh Baltic – và người châu Âu sẽ khó lòng tự bảo vệ mình nếu không có Mỹ”, một quan chức quốc phòng Séc nói với Newsweek hồi đầu năm.
Theo Newsweek
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/anh-that-bai-trong-mo-phong-tan-cong-ten-lua-tu-nga-bao-dong-do-cho-phong-thu-chau-au-post184971.html