London đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 1.900 cá nhân và tổ chức có liên hệ với Chính phủ Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tính đến tháng 1-2025. Ảnh: Sergei Bobylev/TASS
"Đây cũng là lúc phải gây sức ép lên nước Nga. Ngày mai, tôi dự định công bố gói trừng phạt lớn nhất đối với Nga kể từ những ngày đầu của cuộc chiến - làm xói mòn cỗ máy quân sự và giảm doanh thu của họ", ông David Lammy cho biết trong một tuyên bố.
Quyết định tăng cường trừng phạt của Anh được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần gần đây đã tìm cách loại Kiev và châu Âu khỏi các cuộc đàm phán với Nga về tương lai của cuộc xung đột.
"Đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử của Ukraine, Anh và toàn châu Âu... Bây giờ là lúc châu Âu cần tăng cường hỗ trợ cho Ukraine", Ngoại trưởng Anh David Lammy nêu rõ.
London đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 1.900 cá nhân và tổ chức có liên hệ với Chính phủ Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tính đến tháng 1-2025. Các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, hàng không, quân sự và năng lượng của Mátxcơva bao gồm đóng băng tài sản ngân hàng, lệnh cấm đi lại và hạn chế thương mại.
Tuần trước, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một loạt lệnh trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 24-2.
Trong tuyên bố của mình, ông David Lammy nhắc lại sự ủng hộ về mặt quân sự của Anh, trong đó có cam kết cung cấp 3 tỷ bảng Anh (3,78 tỷ USD) hàng năm cho Kiev, đồng thời "sẵn sàng và mong muốn quân đội Anh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nếu cần thiết".
Ngoại trưởng Anh David Lammy nói thêm: "Ngoài chiến trường, chúng tôi sẽ hợp tác với Mỹ và các đối tác châu Âu để đạt được nền hòa bình bền vững, công bằng và khi làm như vậy, chúng tôi sẽ khẳng định rõ ràng nguyên tắc không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”.
Ngày 22-2, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có các cuộc điện đàm riêng với người đứng đầu EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tái khẳng định thông điệp tương tự như của Ngoại trưởng David Lammy.
Thủ tướng Keir Starmer sẽ tới Washington vào giữa tuần tới, với hy vọng đóng vai trò là "cầu nối" giữa Mỹ và châu Âu để đảm bảo an ninh và lãnh thổ cho Kiev trong trường hợp đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn hơn sau cuộc tranh cãi công khai trong tuần này giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông gọi nhà lãnh đạo Ukraine là "nhà độc tài" và ca ngợi "cuộc đàm phán tốt đẹp" với Nga.
Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không làm gì để chấm dứt cuộc xung đột trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 21-2.
Kim Phượng