Hội đồng thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, TP HCM vừa hoàn thành chấm thi. Các cơ quan, đơn vị liên quan đang chờ quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển của UBND TP HCM để tiến hành trao giải trong thời gian sớm nhất.
Cuộc sống lặng lẽ
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nằm trong lòng TP HCM mang nét hoang sơ của miền quê sông nước, khác hẳn với những tòa nhà chọc trời, khu dân cư sang trọng, khu cảng nhộn nhịp bên kia sông Sài Gòn.
Phần lớn diện tích khu vực bán đảo hiện vẫn là đất nông nghiệp, hoang hóa chưa được khai thác, trong đó có khoảng 104,9 ha đất do các hợp tác xã đang quản lý, sử dụng.
Từ hơn 30 năm trước, TP HCM đã có ý tưởng quy hoạch nơi đây thành khu văn hóa - du lịch, nghỉ ngơi, giải trí phục vụ người dân thành phố và du khách. Trong thời gian dài sau đó, thành phố giao doanh nghiệp triển khai xây dựng khu đô thị, kêu gọi đầu tư nhưng vì nhiều khó khăn cùng vướng mắc nên vùng đất này chưa thể "chuyển mình".
Chiều 12-2, từ chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), theo thói quen di chuyển, phóng viên tới bến đò Bình Quới để sang bán đảo.
Tuy nhiên, bến đò vẫn chưa hoạt động trở lại, phóng viên phải quay đầu xe, bọc một vòng lớn qua cung đường Phạm Văn Đồng, vượt cầu Bình Triệu, rẽ xuống đường Tầm Vu rồi chạy vào Xô Viết Nghệ Tĩnh để qua cầu Kinh. Lộ trình dài thêm hơn 5 km, tốn nhiều thời gian vì giao thông không thuận lợi.
Khung cảnh nơi đây không thay đổi nhiều, vẫn như bao năm qua là những căn nhà cũ được sửa chữa, quây tôn, cơi nới thêm để phục vụ đời sống gia đình, đặc biệt là gia đình đông con cháu.
Địa bàn này chủ yếu là đất nông nghiệp nhưng đến nay không còn nhiều người canh tác vì nhiều khó khăn. Hình ảnh dễ nhận biết nhất chính là rất nhiều hồ câu cá giải trí nhờ tận dụng mặt nước, hoặc những khu du lịch sinh thái. Người dân kể vì vướng quy hoạch nên việc cải tạo nơi sống gặp vô vàn trắc trở.
Đánh thức tiềm năng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Bình Thạnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 UBND TP HCM phê duyệt thì khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ phát triển thành khu đô thị sinh thái - hiện đại.
Nơi đây bao gồm chức năng chính là khu dân cư với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên (du lịch - nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí).
Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt năm 2015 có nội dung bán đảo Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch là khu đô thị mới dựa trên các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên.
Tuy vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có nhiều thay đổi so với thời điểm phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 trên.
Do đó, tháng 6-2024, UBND TP HCM ban hành Quyết định 2141/2024 phê duyệt nhiệm vụ đề bài "Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, TP HCM".
Theo UBND TP HCM, để phát huy hết giá trị thế mạnh của bán đảo, hiện thực hóa ước mơ biến khu vực này trở thành "hòn ngọc" của thành phố cần trải qua quá trình quy hoạch. Ý tưởng quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, góp phần định hướng hình thành nên khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trong tương lai.
Mục đích thi tuyển là chọn lựa được ý tưởng quy hoạch xuất sắc, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Trên cơ sở cuộc thi, thành phố sẽ xem xét, chọn lựa nội dung quan trọng để đưa vào các đồ án quy hoạch làm cơ sở phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa và khu vực kế cận như đô thị Trường Thọ, TP Thủ Đức và nhiều khu vực dọc sông Sài Gòn.
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa nhìn từ trên cao
Tin tưởng "hòn ngọc" tỏa sáng
Hay tin thành phố sắp trao giải cuộc thi ý tưởng quy hoạch, người dân bán đảo bày tỏ niềm vui mừng, hy vọng khu đô thị trên bán đảo tạo nên khu vực phát triển mới. Điều này đồng nghĩa họ thoát quy hoạch treo, được tổ chức lại cuộc sống với chất lượng sống tốt hơn.
"Ý tưởng quy hoạch bán đảo cùng những quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch chung thành phố được phê duyệt là điều kiện để thành phố sớm kêu gọi đầu tư. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai tốt, thỏa đáng để người dân tái định cư, nâng cao chất lượng sống" - anh Hùng (hẻm 480 Bình Quới) nhận xét.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cảm nhận người dân kỳ vọng với những dự án lớn của thành phố, đặc biệt khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa với những viễn cảnh sáng.
Ông cho rằng sau khâu trao giải, triển khai những bước về công tác quy hoạch thì tổ chức triển khai đầu tư, kêu gọi xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa là điều rất quan trọng.
TS Nguyễn Hữu Nguyên bày tỏ hy vọng khu đô thị trên bán đảo sớm thành hiện thực. Hiện thực này càng chứng tỏ thành phố luôn mạnh mẽ tiến về phía trước với động lực phát triển tốt. Còn trước mắt, vấn đề cần giải quyết tốt đó là quyền lợi của người dân trên bán đảo.
Thành phố và nhà đầu tư nên có chính sách phù hợp để bồi thường tương xứng, qua đó công tác bàn giao mặt bằng trôi chảy. "Đây là vấn đề khó giải quyết, không phải nói bằng lý thuyết mà phải thực tế cho từng hộ gia đình, thành phần gia đình. Người dân phải bảo đảm sinh kế, chí ít cũng bằng cái cũ và nếu tạo ra những điều tốt hơn thì rất nên tạo động lực cho người dân" - ông Nguyên nói và nhấn mạnh ý giải quyết thấu đáo.
TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, chung ý kiến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa có vị trí vô cùng tốt. Vấn đề của TP HCM trong quá trình phát triển hiện nay là cần những vùng có không gian sinh thái lý tưởng và Bình Quới - Thanh Đa cần cân bằng 2 vai trò. Đó là bảo đảm thương mại dịch vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất, khai thác tốt giá trị đất và bảo đảm yêu cầu về sinh thái của cả vùng bao bọc xung quanh, vùng bên kia sông Sài Gòn, đặc biệt là Bình Thạnh đã chật chội.
"Nếu đồ án quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa giải quyết được 2 mục tiêu đó thỏa đáng thì rất đáng chờ đợi" - ông Võ Kim Cương nhấn mạnh. Vị chuyên gia cho rằng để bảo đảm mục tiêu đó cần có tác động lớn hơn từ nhà nước, trong đó có nguồn đầu tư công.
Cái nôi của nhiều sản phẩm du lịch
Theo nhiều chuyên gia và công ty du lịch, "viên ngọc thô" bán đảo Bình Quới - Thanh Đa khi được mài giũa, trở thành điểm đến mới của TP HCM sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, phân tích bán đảo này với đặc điểm mảng xanh và mặt nước bao quanh nên rất phù hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thậm chí du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng). Ngoài ra, TP HCM là đô thị ven sông nhưng thực tế sản phẩm du lịch cho phân khúc này không nhiều nên về lâu dài bán đảo có thể phát triển thêm loại hình du thuyền.
Hình ảnh một khu vực bán đảo trong chiều 12-2 này được tin tưởng sớm thay đổi
"Trong bán kính khoảng 10 km tính từ khu vực trung tâm TP HCM, Bình Quới - Thanh Đa là nơi duy nhất còn lại thích hợp cho quy hoạch phát triển những loại hình, sản phẩm du lịch mới... để nâng tầm điểm đến, nâng đẳng cấp của thành phố trong chiến lược phát triển giai đoạn 2030-2035 và xa hơn" - ông Phan Đình Huê nói.
Thái Phương
Bài và ảnh: QUỐC ANH