Ðào ao trữ nước cho làng
Khoảng những năm 1835-1840, ông Lê Văn Minh và vợ là Trần Thị Nhàn cùng chị ruột và 4 em trai rời quê hương Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đến khai hoang lập nghiệp bên bờ sông Rạch Rập, xứ Bà Ðiều, làng Thạnh Phú. Thuở ấy nơi này còn khá hoang vu, đầy rẫy hiểm nguy. Thế nhưng, với sự kiên cường và sức lao động bền bỉ, các thành viên trong gia tộc đã tạo dựng được cuộc sống ổn định nơi miền đất mới.
Ông Lê Văn Hiền (1863-1934), là con thứ của ông bà Lê Văn Minh và Trần Thị Nhàn, chào đời và lớn lên tại vùng đất còn in dấu bước chân khai phá ấy. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Biên, người cùng làng Thạnh Phú. Nhờ đồng tâm hiệp lực, vợ chồng ông gầy dựng được khối điền sản khá lớn, trở thành gia đình giàu có trong vùng.
Không chỉ chăm lo kinh tế gia đình, ông Lê Văn Hiền còn là người có uy tín, sống giản dị, nghĩa tình, luôn quan tâm đến việc làm ăn, sinh sống của bà con làng xóm. Ông được tín nhiệm bầu làm Hương cả, chức vị cao nhất trong bàn hội tề của làng bấy giờ và được người dân gọi là ông Cả Bảy.
Xứ Cà Mau có hai mùa mưa nắng, vào mùa nắng (mùa hạn) ao đìa thường khô cạn, sông rạch bị xâm mặn, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm. Thương dân làng, ông đã đào một ao thật sâu và rộng trữ nước trời để cung cấp cho cả làng dùng, bà con gọi là ao ông Cả Bảy.
Bà Lê Ngọc Loan (83 tuổi), cháu gọi cụ Hiền bằng ông cố, bồi hồi nhớ lại: “Má tôi kể, hồi đó ông cố bỏ tiền ra mua một công đất năn, rồi mướn người đào ao. Má tôi có tham gia nấu cơm cho thợ ăn. Người làm đông vui và xôm tụ lắm. Cái ao đào kiểu lòng chảo, ông cố còn mua 50 giạ muối đen bỏ dưới đáy, nghe nói để hạ phèn. Nước ao trong và uống ngọt như nước mưa”.
Trong trí nhớ của Nhạc sĩ Lê Lương (tuổi gần 90), cháu cố cụ Lê Văn Hiền: “Nếu tính từ trong ra theo tuyến Quốc lộ 1, vị trí ao nằm bên trái, khỏi cống Bà Ðiều chưa đầy cây số. Hồi đó người dân chở nước bằng xuồng trên sông Rạch Rập. Từ mé sông, qua khỏi đất vườn, ra thêm độ 2 công là tới ao. Theo giấy tờ còn lưu lại, ao có diện tích 1.000 m². Ðường đi từ mé vườn ra tới ao, ông cụ lót bằng đá xanh. Ðường xuống ao cũng được cẩn đá cho khỏi lở và người dân dễ dàng lấy nước. Ao sâu lắm, mùa hạn không hề cạn, nước ngọt như nước mưa”.
Vị trí ao ông Cả Bảy nằm trên Quốc lộ 1, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 3 km. Theo tốc độ đô thị hóa, hiện nơi này đã được chuyển nhượng và bị san lấp.
Trong ký ức của nhiều người, những năm tháng chiến tranh nghèo khó, dân cư miệt Nhà Phấn, Rau Dừa, Phú Tân (cách ao từ 5-7 cây số đến hơn 20 cây số)... cũng tìm đến ao này để lấy nước về dùng (mặc dù gần cống Bà Ðiều bấy giờ còn có một ao khác do làng đào, gọi là ao Làng, nhưng nước không ngọt bằng).
“Hồi đó tôi dẫn đoàn văn công đi hoạt động ở miệt Rau Dừa, nhà các hộ dân cho đoàn ở nhờ cũng lên tới ao này chở nước về sinh hoạt”, Nhạc sĩ Lê Lương nhớ lại.
Các cụ cao niên sống trên địa bàn ấp Bà Ðiều cũng xác nhận, trước đây nơi này từng có 2 ao lớn, một là ao Làng, do dân đào; cái còn lại là ao do ông Cả Bảy tự bỏ tiền và công sức tạo nên. Có lẽ ao Làng có trước, nhưng nước không được ngọt, nên ông Cả Bảy mới đào thêm ao (áp dụng kinh nghiệm dân gian giúp nước ngọt) để cho dân làng dùng.
Như vậy, cái ao không chỉ có ý nghĩa thực tại mà còn phát huy vai trò tận những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Nghe nói, kể cả sau ngày đất nước thống nhất, người dân vẫn dùng nước ao này. Mãi khi cây nước được khoan phổ biến và sau nữa là hệ thống nước máy được nối mạch thì ao ông Cả Bảy mới chấm dứt vai trò lịch sử của nó.
Dấu ấn trong cộng đồng, dòng tộc
Không chỉ đào ao trữ nước cho dân dùng, ông Lê Văn Hiền còn đứng ra vận động và tổ chức đắp lộ, sửa đường, bắc cầu cho dân đi lại. Những năm đói kém, mất mùa, nhiều gia đình được ông giúp đỡ gạo ăn, thóc giống, phương tiện canh tác để vượt qua khốn khó. Ông còn nổi tiếng là người giỏi xem mạch, hốt thuốc, nhất là chữa trị gãy xương, trật khớp. Lúc mùa vụ hay khi nông nhàn, hễ người bệnh tìm đến đều được ông cứu chữa tận tình. Ai nghèo khó quá còn được ông nuôi ăn ở, hết bệnh thì cho tiền về quê.
Ông Hiền chính là thân sinh của nhà hoạt động cách mạng tiền bối Lê Khắc Xương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), mà Báo Cà Mau đã đề cập trong bài “Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời (ấn phẩm Ðất Mũi, phát hành ngày 28/3/2025).
Trong phạm vi dòng tộc, ông Hiền còn để lại một công trình đáng trân trọng, xây dựng phần mộ bằng đá cho song thân là ông Lê Văn Minh và bà Trần Thị Nhàn, lớp người đầu tiên trong gia tộc đặt chân đến khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất Cà Mau. Việc làm này không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo mà còn mang ý nghĩa lưu giữ dấu tích lịch sử, nhắc nhở con cháu về công lao của các bậc tiền nhân.
Theo Kiến trúc sư Mai Lê Minh, cháu cố của ông Hiền, dòng họ Lê trong gia tộc vốn có gốc từ Quảng Ngãi, là hậu duệ của danh tướng Lê Văn Duyệt. Do biến cố lịch sử, một số người trong dòng họ đã phiêu dạt vào phương Nam và một nhánh đã đến Cà Mau (như đã nói). Ngôi mộ đá của ông Lê Văn Minh được xây dựng theo hình thức mộ phần của các quan triều Nguyễn.
Mộ cụ Lê Văn Minh, tọa lạc tại ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (ngôi mộ lớn phía sau), được ông Lê Văn Hiền làm bằng đá tảng, với lối kiến trúc theo quy chuẩn mộ phần của các quan triều Nguyễn (con cháu đã trùng tu, thêm phần câu đối tiếng Việt).
Ngày nay, theo nhịp sống đô thị hóa, ao ông Cả Bảy cũng như ao Làng đều đã bị san lấp, nhưng những việc làm, nghĩa cử của ông Lê Văn Hiền đối với dân làng, cộng đồng để lại trong lòng con cháu niềm tự hào và bài học về lòng nhân hậu, lối sống nghĩa tình.
Là kiến trúc sư, ông Minh quan tâm nhiều đến những tảng đá xanh dùng để xây mộ, lót đường, làm nền chùa, kè ao... loại vật liệu không thể có sẵn ở vùng đất thấp Cà Mau. Ông bảo, nghe kể đá được các ghe chở từ Ðồng Nai xuống bán (cũng có người nói chở từ miền Trung vào).
Kiến trúc sư Mai Lê Minh, cháu cố cụ Lê Văn Hiền (người phía trong), chỉ cho chúng tôi xem những tảng đá còn lại từng được cụ Hiền dùng làm chùa. Ðây cũng là chứng tích về lịch sử, văn hóa của thời khai hoang mở đất.
Dẫu gốc tích loại vật liệu này chưa được xác định rõ, nhưng đây được xem là những chứng tích lịch sử, lưu dấu tiền nhân trong hành trình mở đất phương Nam mà chắc chắn nếu tìm hiểu, sẽ có nhiều điều hay và thú vị./.
Huyền Anh