Cơn bão số 3 Wipha đổ bộ gây mưa nặng hạt kèm gió rít mạnh hơn vào cuối chiều 22/7 ở xã Đông Hưng (tỉnh Hưng Yên), anh Phạm Tuấn Anh – Bí thư Đoàn xã cùng đồng đội tham gia tổ công tác UBND xã tiếp tục trực chiến tại trụ sở. Thông qua điện thoại thông minh cá nhân, các thành viên kết nối, trao đổi thông tin với cơ sở trên nhóm zalo để kịp thời điều phối lực lượng và tham gia hỗ trợ.
Anh Tuấn Anh cho biết, ngay khi có thông tin cảnh báo bão, một đội hình xung kích gần 50 thành viên được thành lập, gồm thành viên Ban Chấp hành Đoàn xã và đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Trước khi bão đổ bộ, đoàn viên thanh niên tham gia phát quang cành cây có nguy cơ gãy đổ, có thể gây nguy hiểm cho người dân và hệ thống đường điện. Bên cạnh đó, đến từng nhà vận động và giúp đỡ các hộ gia đình neo đơn, có nhà cửa không kiên cố di dời đến nhà người thân hoặc các địa điểm an toàn. May mắn, cơn bão không gây thiệt hại nặng nề như lo ngại ban đầu, các cành cây gãy đổ ảnh hưởng giao thông được đoàn viên thanh niên thu gom.
"Một trong những ưu tiên hàng đầu sau bão là dọn dẹp vệ sinh cành cây và rác ứ đọng tại trường mầm non của xã, để các em nhỏ có thể sớm trở lại lớp học", anh Tuấn Anh nói.
Đoàn viên thanh niên xã Đông Hải khơi thông dòng chảy trong sáng 22/7. Ảnh: TĐHY
Cùng với Đông Hưng, đoàn viên thanh niên ở các địa phương Hưng Yên tích cực tham gia hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 Wipha.
Anh Thiệu Minh Quỳnh – Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chúng tôi đã khẩn trương kích hoạt các phương án ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mức cao nhất. Chúng tôi xác định rõ vai trò xung kích, sẵn sàng của tuổi trẻ, lấy phương châm ‘4 tại chỗ’ làm nền tảng, vừa chủ động phòng ngừa, vừa linh hoạt trong xử lý tình huống phát sinh.”
Toàn tỉnh đã huy động hơn các đội hình thanh niên xung kích với hơn15.000 đoàn viên, thanh niên sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tùy thuộc vào địa hình và mức độ ảnh hưởng dự kiến, mỗi xã đã thành lập từ 7 đến 10 đội hình cơ động, đảm bảo không một địa bàn nào bị bỏ lại phía sau.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa trước bão. Ảnh: TĐHY
Đoàn viên thanh niên thu dọn cành cây gãy đổ do ảnh hưởng bão số 3. Ảnh: TĐHY
Theo anh Quỳnh, các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, gồm việc tổ chức các đội hình hỗ trợ sơ tán dân tại các khu vực nguy cơ cao như vùng trũng thấp, ven sông, ao hồ; phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an, quân sự và chính quyền cơ sở để chằng chống nhà cửa, di dời tài sản cho người dân; thu gom rác thải, cắt tỉa cành cây nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng túc trực 24/24 tại các điểm xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ khi có sự cố sạt lở, ngập lụt hoặc mất an toàn giao thông. Sau bão, các đội hình thanh niên sẽ lập tức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom cây đổ, biển hiệu hư hỏng, khắc phục tạm thời ách tắc giao thông, hỗ trợ nhân dân khôi phục sinh hoạt.
"Tỉnh Đoàn cũng luôn duy trì đường dây nóng 24/7, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để cập nhật diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo cơ sở, không để bị động bất ngờ", anh Quỳnh chia sẻ.
Xuân Tùng