Sản phẩm tháp điện gió là một phần của các máy phát điện sử dụng sức gió, thường có kết cấu bằng thép theo dạng hình trụ. Ảnh minh họa: TL
Theo thông tin từ trang web của Bộ Công Thương, tháp điện gió là phần nối giữa đế tháp và buồng chứa tuabin điện gió. Sản phẩm này được dựng trên phần đế tháp để chống đỡ tuabin gió và cánh quạt, có tác dụng chịu lực trong quá trình vận hành của máy phát điện sử dụng sức gió. Giá trị của phần tháp điện gió thông thường chiếm khoảng từ 5-7% tổng giá trị của một máy phát điện sử dụng sức gió hoàn chỉnh.
Sau nhiều tháng điều tra, cơ quan điều tra kết luận, đây là lĩnh vực trong nước có thể sản xuất với chất lượng tốt và được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Căn cứ trên các bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra xác định sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu từ một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Những thiệt hại được thể hiện ở các yếu tố sản lượng, thị phần, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận bán hàng, lao động của ngành sản xuất trong nước đều suy giảm xuống mức thấp nhất trong thời kỳ điều tra.
Vì vậy, để khôi phục lại môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có một doanh nghiệp của Trung Quốc không bị áp dụng biện pháp này do không có hành vi bán phá giá trong thời kỳ điều tra.
Một thông tin nữa là trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát lại mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc khi có hồ sơ yêu cầu của các bên liên quan. Điều này để đảm bảo biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đúng mức độ và trong khoảng thời gian hợp lý.
Thùy Linh