Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới

Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới
5 phút trướcBài gốc
Tạp chí Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới”.
Cần thiết đổi mới chính sách áp dụng BIM
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 phê duyệt Lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
Trong quá trình tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho việc bắt buộc áp dụng BIM, Bộ Xây dựng đã sửa đổi, bổ sung hướng dẫn trường hợp áp dụng BIM; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Ngoài ra, thực tiễn triển khai Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng cũng xuất hiện một số bất cập, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.
Trong bối cảnh đó, Tạp chí Xây dựng quyết định tổ chức Hội thảo với chủ đề “Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới” nhằm thông tin về chính sách BIM vừa mới ban hành và định hướng chính sách mới; thông tin về công tác đào tạo, cấp chứng nhận BIM; công tác thiết kế, thi công dự án áp dụng BIM sử dụng cấu kiện bê tông tiền chế; thông tin về những bất cập liên quan đến quá trình đấu thầu, nghiệm thu tại một số dự án áp dụng BIM và đề xuất giải pháp, nhằm góp phần minh bạch hơn, hiệu quả hơn dự án đầu tư xây dựng.
Cũng tại Hội thảo, TS. Phan Hữu Duy Quốc, Ủy viên Hội đồng khoa học Tạp chí Xây dựng đã chia sẻ về ý tưởng xuất bản một cuốn sách về áp dụng BIM do Tạp chí Xây dựng khởi xướng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, từ đó thúc đẩy việc áp dụng BIM trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Quyết Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu chiến lược và cơ chế quản lý kinh tế ngành, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ về chính sách áp dụng BIM hiện hành và định hướng đổi mới trong thời gian tới.
Từ năm 2012, Viện Kinh tế xây dựng đã nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Xây dựng tiến hành xây dựng Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016, trong đó có đưa ra những cơ chế, chính sách, nhiệm vụ để áp dụng thí điểm mô hình BIM.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án 2500, Viện Kinh tế xây dựng tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách áp dụng BIM để đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023.
TS. Vũ Quyết Thắng đã chia sẻ về chính sách áp dụng BIM hiện hành và định hướng đổi mới trong thời gian tới.
Đến nay, cơ chế, chính sách liên quan đến việc áp dụng BIM tại Việt Nam đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15/2021/NĐ-CP), Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành Định mức xây dựng.
Mới nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD ngày 30/08/2024 về sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/08/2021, trong đó có hướng dẫn xác định chi phí áp dụng BIM.
Chia sẻ về định hướng chính sách áp dụng BIM trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, TS. Vũ Quyết Thắng đã nhấn mạnh 5 nội dung chính: Một là đối tượng công trình áp dụng BIM; Hai là quy định về dữ liệu BIM cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện trình thẩm định, cấp phép xây dựng; Ba là chủ đầu tư/bên giao thầu quyết định các yêu cầu về dữ liệu BIM; Bốn là sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước; Năm là trách nhiệm hướng dẫn áp dụng BIM.
Xem xét đưa BIM trở thành môn học bắt buộc
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Phạm Ngọc Bảy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển BIM Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về thực trạng công tác đào tạo BIM giao thông và hạ tầng (Horizontal BIM) trong thời gian qua.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, trường Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được 461 kỹ sư đạt chứng nhận theo chương trình khung của Bộ Xây dựng công bố năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng áp dụng Horizontal BIM.
Kỹ sư đã đi làm 5 năm và sinh viên khi tiếp cận BIM sẽ có những thuận lợi, khó khăn riêng. Kỹ sư đã đi làm sẽ khó thích nghi với quy trình mới (BIM), còn sinh viên sẽ có nhiều thời gian tiếp cận BIM từ lý thuyết, nhưng không có dự án thực tế để áp dụng, chủ yếu thực hành qua các bài tập, đồ án.
ThS. Phạm Ngọc Bảy kiến nghị BIM nên trở thành môn học bắt buộc trong tất cả các trường đào tạo kỹ thuật.
Hiện nay, hầu hết các trường đã tích hợp BIM vào chương trình giảng dạy, giáo trình biên soạn theo các Quyết định 347/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 và 348/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 của Bộ Xây dựng. Một số trường cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập cho các sinh viên. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo cũng gặp khó khăn vì hệ thống máy tính chưa đủ mạnh.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu từ các chương trình đào tạo BIM, ThS. Phạm Ngọc Bảy cho rằng, thành công lớn nhất là số lượng sinh viên sử dụng các phần mềm theo công nghệ BIM tăng lên. Một số trường còn có sinh viên tham gia các dự án thực tế và đạt giải thưởng.
Nhưng dài hạn, ThS. Phạm Ngọc Bảy kiến nghị, BIM nên trở thành môn học bắt buộc trong tất cả các trường đào tạo kỹ thuật, nếu có điều kiện thì tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giảng dạy BIM.
Để cải tiến cơ chế, chính sách về đào tạo BIM tại Việt Nam, ThS. Phạm Ngọc Bảy có đưa ra 4 đề xuất về xây dựng giáo trình (biên dịch tài liệu quốc tế, đưa BIM vào chương trình học), tăng cường thực hành (xây dựng phòng thực hành BIM, tích hợp bài tập, đồ án liên quan đến BIM), kết nối với doanh nghiệp (hợp tác với các công ty để hỗ trợ sinh viên thực tập, tổ chức hội thảo và khóa học thực tế) và hỗ trợ từ Nhà nước (cấp ngân sách cho các trường xây dựng cơ sở vật chất đào tạo BIM, sớm xuất bản các quy định về ADAC phục vụ đào tạo BIM2, BIM3).
BIM và thiết kế không thể tách rời
Góp mặt tại Hội thảo, ThS. Phạm Phú Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng chia sẻ về các khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM.
Trong các năm 2023 và 2024 đã có nhiều dự án áp dụng BIM ở các công trình cấp I, cấp II. Từ năm 2025, các đơn vị nhà thầu tư vấn thiết kế sẽ có nhiều cơ hội đấu thầu các dự án áp dụng BIM vì số lượng các gói thầu áp dụng BIM cho các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công theo Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 sẽ rất lớn.
ThS. Phạm Phú Đức đã chia sẻ về các khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM.
Theo ThS. Phạm Phú Đức, các đơn vị tư vấn thiết kế đang phải đối mặt với 5 khó khăn, thách thức lớn, đó là căn cứ pháp lý, chi phí đầu tư, giá trị dự án, nguồn nhân lực và cạnh tranh không lành mạnh.
Trong đó, những vướng mắc thường gặp là chưa có quy định phân cấp về các loại chứng chỉ/chứng nhận chương trình đào tạo BIM; chưa quy định về số lượng cần thiết của các nhân sự chủ chốt và vai trò kinh nghiệm tại các dự án BIM; các dự án không cung cấp đủ hồ sơ; nhiều hồ sơ mời thầu đưa ra các tiêu chí nửa vời, lệch chuẩn; các gói thầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế chưa được phê duyệt; thiết kế áp dụng BIM hay lập mô hình 3D? Tư vấn thiết kế áp dụng BIM hay thuê thầu phụ BIM? Tách tư vấn BIM khỏi tư vấn thiết kế…
ThS. Phạm Phú Đức đánh giá, hiện nay chi phí BIM của các gói thầu tách BIM khỏi tư vấn thiết kế vẫn còn nhiều điểm bất cập. Với dự án bỏ qua áp dụng BIM tách rời, có thể nhận thấy sự bất cập trong cách quản lý khi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã hoàn thành phải chờ tư vấn BIM hoàn thành tạo lập mô hình và kiểm tra xung đột. Nếu có phát hiện xung đột thì bên thiết kế có thể bị cơ quan cấp cao hơn yêu cầu phê duyệt lại để đảm bảo tính an toàn của công trình.
Chính vì vậy, mô hình BIM tách biệt cần được đánh giá nghiêm túc về hiệu quả, cơ sở pháp lý và chi phí, nếu không sẽ trở thành các dự án mang tính hình thức, gây lãng phí thất thoát của các nhóm lợi ích.
Trên cơ sở đó, ThS. Phạm Phú Đức có đề xuất 4 giải pháp, bao gồm: Xem xét kỹ các quyết định phê duyệt dự án, yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu, đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ được cung cấp (bao gồm các bản vẽ được xuất trực tiếp từ mô hình) và liên hệ cơ quan có thẩm quyền, khi các gói thầu có dấu hiệu bất thường.
Cũng tại Hội thảo, ông Sagar Thorat, Giám đốc kỹ thuật khu vực ASEAN của Công ty Autodesk đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của Singapore trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM, trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng một platform (nền tảng) BIM để chủ đầu tư nộp hồ sơ điện tử cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM.
Trong khi đó, KS Đỗ Thế Anh, Trưởng Phòng BIM - CNTT, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai đã chia sẻ một số khuyến nghị về áp dụng BIM trong thiết kế, thi công.
Theo đó, BIM có 4 trụ cột chính là công nghệ, quy trình, con người và chính sách.
Đối với trụ cột công nghệ là hạt nhân của BIM, KS Đỗ Thế Anh khuyến nghị cần xác định rõ mục tiêu áp dụng BIM cho dự án, đánh giá năng lực nội bộ, lựa chọn công nghệ tối ưu và tiến hành triển khai, đưa mục tiêu, công nghệ đã lựa chọn vào kế hoạch triển khai BIM.
Đối với trụ cột quy trình là bộ khung vận hành của BIM, khuyến nghị chung là tăng cường phối hợp giữa các bên, đảm bảo thông tin đồng bộ, chính xác và thiết lập các quy trình chuẩn hóa, linh hoạt.
Đối với trụ cột con người là yếu tố cốt lõi của BIM, KS Đỗ Thế Anh khuyến nghị phải xây dựng đội ngũ chuyên môn cao, tạo môi trường làm BIM chuyên nghiệp, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo và đảm bảo nguồn lực phù hợp cho các dự án.
Đối với trụ cột chính sách là động lực thúc đẩy áp dụng BIM, cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý rõ ràng (ban hành các tiêu chuẩn BIM quốc gia, ban hành hướng dẫn triển khai BIM), khuyến khích doanh nghiệp áp dụng BIM và tổ chức các diễn đàn, hội thảo kết nối các bên liên quan.
Chia sẻ về thực trạng ứng BIM cho công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong thời gian qua, ThS. Trần Văn Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần IDECO Việt Nam cho biết, việc áp dụng BIM trong giai đoạn thiết kế sẽ giúp thu được một số kết quả như kiểm soát chất lượng hồ sơ thiết kế; kiểm soát khối lượng; thuận tiện trong việc đọc hiểu, kiểm tra hồ sơ; xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ giai đoạn quản lý thi công; xây dựng dữ liệu cho giai đoạn quản lý vận hành.
Tuy nhiên, việc áp dụng BIM trong giai đoạn thiết kế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa thiết kế và BIM còn chồng chéo, mô hình và hồ sơ giấy chưa có sự thống nhất, trao đổi qua CDE còn hạn chế, công tác thẩm định hồ sơ trên BIM chưa được chú trọng
Trong khi đó, việc áp dụng BIM trong giai đoạn thi công sẽ giúp quản lý dự án trực quan và dễ dàng; việc shia sẻ, phối hợp thông tin diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, công tác này cũng một số hạn chế như: Thiếu hành lang pháp lý chi tiết; nhân sự triển khai chưa được đào tạo bài bản, máy móc chưa đảm bảo; thiếu sự phối hợp, trao đổi trên CDE.
Tư vấn BIM và tư vấn thiết kế nên là một nhà thầu.
Từ những bất cập nêu trên, ThS. Trần Văn Tâm có đưa ra một số kiến nghị như tư vấn BIM và tư vấn thiết kế nên là một nhà thầu, nếu liên danh thì phải có sự phối hợp chặt chẽ; Các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định có liên quan đến áp dụng BIM; Các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng kế hoạch và lên khung chương trình đào tạo áp dụng BIM nâng cao nhận thức về BIM cho chủ thể liên quan; Cần có cơ chế để nghiên cứu, khuyến khích tạo ra các sản phẩm công nghệ của Việt Nam phù hợp với các quy định trong nước và góp phần giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia.
Trong thời gian thảo luận, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi về một số nội dung trọng tâm như quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP; vướng mắc trong việc nghiệm thu BIM; xem xét đổi mới khung chương trình đào tạo về BIM; giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giảng viên và cơ sở vật chất cho đào tạo BIM, các lỗi trong hồ sơ mời thầu, năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế tham gia đấu thầu, phát triển nền tảng BIM tại Việt Nam, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về áp dụng BIM…
Sau Hội thảo, Tạp chí Xây dựng sẽ tập hợp các ý kiến để gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó góp phần xây dựng cơ chế, chính sách và thúc đẩy áp dụng BIM tại Việt Nam.
Dịch Phong
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/ap-dung-bim-trong-xay-dung-hien-trang-giai-phap-va-dinh-huong-chinh-sach-moi-389812.html