Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh BÙI GIANG)
Tránh tình trạng quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ
Sáng 19/5, cho ý kiến về mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra giữa Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) và một số đại biểu cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân đã bổ sung Tòa án khu vực thay cho Tòa án cấp huyện; giữ nguyên Tòa án cấp tỉnh; giao quyền xét xử sơ thẩm thông thường cho Tòa án khu vực, quyền phúc thẩm và giám đốc thẩm cho Tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, cơ chế giám sát, phối hợp, kiểm tra giữa hai cấp này chưa được dự thảo Luật quy định rõ.
Các ý kiến nhấn mạnh, nếu không làm rõ mối quan hệ và chế tài kiểm tra dễ dẫn đến tình trạng quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ. Nếu Tòa án cấp tỉnh không có cơ chế kiểm tra thực chất với Tòa án khu vực, chất lượng xét xử tại cơ sở dễ bị bỏ ngỏ. Nếu kiểm tra thiếu ranh giới rõ ràng, có thể gây xung đột quyền lực nội bộ, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa. Không có chế tài kiểm tra rõ ràng sẽ dẫn tới thiếu kênh xử lý vi phạm tại Tòa án khu vực; thiếu cơ chế giám sát chất lượng xét xử, không kiểm soát được nguy cơ tiêu cực ở cấp xét xử đầu tiên…
Có đại biểu kiến nghị bổ sung về nhiệm vụ Tòa án cấp tỉnh là: thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc của Tòa án khu vực thuộc địa bàn; báo cáo kết quả và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ “giám sát chéo”: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ đối với Tòa án nhân dân khu vực về hoạt động chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện kỷ luật công vụ, báo cáo định kỳ về Tòa án nhân dân tối cao.
Trong phiên làm việc hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp. (Ảnh BÙI GIANG)
Trong đó kiến nghị: Cho phép các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập. Cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.
Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, trên thực tế, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng mà sẽ liên quan nhiều về mặt kinh tế, ngân sách. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng đánh giá tác động của chính sách bảo đảm giữ vững nguyên tắc cân đối thu chi; đối với các thành phố áp dụng khi sáp nhập tỉnh cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương…
Bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương
Chiều cùng ngày, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết: Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua các chủ thể chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả. Thực trạng này có nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.
Qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, Viện Kiểm sát nhân dân đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm, vi phạm; mặc dù các chủ thể vi phạm đã bị xử lý về trách nhiệm hình sự nhưng phần dân sự gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa được khắc phục triệt để; hoặc có trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự nhưng phải giải quyết vấn đề dân sự để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khởi kiện, yêu cầu cho nên đã dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ triệt để, hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị: Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, phân loại hành vi trước khi khởi kiện; bổ sung nguyên tắc nhằm tránh việc dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính; làm rõ thêm căn cứ, điều kiện và phạm vi khởi kiện của Viện Kiểm sát nhân dân để tránh lạm quyền hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác.
Trong ngày làm việc hôm qua, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về: chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; thảo luận về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.