Áp dụng ngưỡng nợ thuế phù hợp để tạm hoãn xuất cảnh, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài

Áp dụng ngưỡng nợ thuế phù hợp để tạm hoãn xuất cảnh, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài
3 giờ trướcBài gốc
Cơ quan thuế rà soát doanh nghiệp nợ thuế để có biện pháp thu nợ phù hợp. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Mức nợ thuế đối với doanh nghiệp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên, thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đặc biệt, sẽ tạm hoãn xuất cảnh ngay với những trường hợp nợ thuế là cá nhân/chủ hộ kinh doanh, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế qua phương thức điện tử. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử hoặc trường hợp đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, sẽ có thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc hạn chế quyền đi lại (xuất cảnh) của người dân là một biện pháp khá nghiêm trọng, do đó cần được thực hiện theo trình tự thủ tục chặt chẽ hơn, tức là cần có một quyết định hành chính về quản lý thuế do người có thẩm quyền ký ban hành để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Về số tiền nợ thuế, VCCI cho hay, nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh được quy định tại Điều 1 của dự thảo, 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp, là quá thấp. Do đó, họ đề xuất cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên mức 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách.
Ngưỡng nợ lớn sẽ để lọt những trường hợp chây ỳ
Theo Bộ Tài chính, việc để ngưỡng nợ lớn sẽ để lọt những trường hợp chây ỳ. Do vậy, ngưỡng nợ cần phải phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ đọng, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi. Đồng thời, thời gian nợ là 120 ngày là hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, theo quy định hiện hành, với người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, thông thường cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gửi thông báo nợ cho người nộp thuế (3 kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền lương, thu nhập, dừng thủ tục hải quan), công khai thông tin...
Để cá nhân không bất ngờ về việc bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế sẽ thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo áp dụng biện pháp này mà doanh nghiệp, cá nhân chưa nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, mức quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp. Pháp luật về quản lý thuế quy định cơ quan thuế bắt đầu áp dụng các biện pháp cưỡng chế với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày, việc nới thêm 30 ngày so với thời hạn cưỡng chế này là phù hợp để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ. Về số nợ thuế, mức 10 triệu đồng và 100 triệu đồng là phù hợp. Nếu hàng nghìn doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế ở mức này thì ngân sách nhà nước đứng trước rủi ro thất thu thuế đáng kể.
Chuyên gia này phân tích thêm, việc quy định “cứng” ngưỡng nợ thuế của trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh không ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế, song cần quy định có thể điều chỉnh khi các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, trong đó bao gồm cả việc giảm ngưỡng này nếu tình trạng chây ỳ và thất thu thuế tăng. Tuy nhiên, với các trường hợp quá khó khăn dẫn đến nợ thuế, có thể xem xét gia hạn và tính đến giải pháp cho phép xuất cảnh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, từ đó có nguồn trả nợ.
Thu về ngân sách gần 4.300 tỷ đồng
Đến tháng 11/2024, cơ quan thuế đã ban hành 58.687 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, trong đó có 35.616 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 12.973 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 2.523 người nộp thuế với số tiền là 236 tỷ đồng của người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh.
Văn Tuấn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-nguong-no-thue-phu-hop-de-tam-hoan-xuat-canh-tranh-no-dong-day-dua-keo-dai-166592-166592.html