'Áp KPI thúc đẩy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức'

'Áp KPI thúc đẩy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức'
8 giờ trướcBài gốc
Việc áp dụng công cụ này không chỉ giúp lượng hóa hiệu quả công việc của cán bộ, công chức một cách cụ thể, mô hình này còn mở ra cách tiếp cận mới trong quản lý công vụ, lấy kết quả công việc làm trọng tâm, gắn trách nhiệm với từng vị trí việc làm. Với cách làm bài bản, sát thực tiễn, mô hình này đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của Bộ Nội vụ, đồng thời được kỳ vọng sẽ nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa nâng cao năng lực phục vụ người dân.
Tại huyện Diên Khánh, phần mềm KPI (Key Performance Indicator, nghĩa là Chỉ số đánh giá hiệu suất công việc) đang được áp dụng tại 13 cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức bắt đầu ngày làm việc bằng cách đăng nhập phần mềm KPI, kê khai đầu mục công việc cần thực hiện và cuối ngày cập nhật tiến độ, kết quả xử lý. Mỗi cá nhân tự theo dõi hiệu suất và điều chỉnh cách làm việc của mình một cách khoa học hơn.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Phòng Nội vụ, huyện Diên Khánh cho biết: "Áp dụng KPI đã trở thành thói quen hằng ngày rồi. Việc áp dụng KPI có cái tích cực là mình nhận việc thì có kế hoạch xử lý hằng ngày bởi làm chậm thì KPI sẽ báo trễ. Qua đó, mình có thể kiểm tra tiến độ, phân bố thời gian phù hợp hơn".
Không chỉ dừng ở thử nghiệm, mô hình đánh giá cán bộ bằng KPI đã áp dụng toàn tỉnh Khánh Hòa. Từ tháng 4/2025, Khánh Hòa triển khai thí điểm công cụ này tại Sở Nội vụ, các sở, ngành chuyên môn và một số địa phương. Cách làm tại Khánh Hòa không đi theo lối mòn mà chủ động lượng hóa từng vị trí việc làm, từng đầu việc cụ thể, từ đó đánh giá kết quả dựa trên dữ liệu.
Tiêu chí định lượng cho từng đầu công việc: khối lượng công việc, mức độ phức tạp, thời gian hoàn thành, chất lượng xử lý và mức độ hài lòng của người dân hoặc người giao việc. Phần mềm tự động tính điểm dựa trên dữ liệu được nhập vào, so sánh với định mức tiêu chuẩn, từ đó chấm điểm hiệu suất hằng ngày, hằng tuần. Việc này tạo thói quen tự kiểm tra, tự điều chỉnh cách làm việc, đồng thời giúp cấp quản lý dễ dàng theo dõi tiến độ và chất lượng công việc từng người.
Việc ứng dụng KPI còn giúp cơ quan quản lý xây dựng được bộ tiêu chí rõ ràng để làm căn cứ xét lương, thưởng, quy hoạch và đào tạo đội ngũ kế cận. Đây cũng là cách để phát hiện, sàng lọc cán bộ có năng lực thực chất và từng bước chuẩn hóa đội ngũ theo yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa nâng cao năng lực phục vụ người dân
Ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc triển khai KPI được địa phương xác định là bước đi quan trọng trong đổi mới quản lý công vụ: "Thứ nhất là hình thành nhận thức, tư tưởng thống nhất. Thứ hai là xây dựng bản mô tả đầu công việc của từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó định lượng được khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành từng loại đầu việc. Sau đó mới áp vào công thức tính điểm. Việc này chưa cần phần mềm phức tạp mà bước đầu mỗi cán bộ, công chức tự nhập dữ liệu và tính toán điểm số theo hướng dẫn chung".
Cách làm bài bản, tinh thần khẩn trương và định hướng rõ ràng của Khánh Hòa đã được Đoàn công tác Bộ Nội vụ ghi nhận trong chuyến khảo sát vào vừa qua. Đoàn công tác đánh giá cao sự nghiêm túc, sát thực tế và khả năng nhân rộng mô hình này trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Quang Dũng,Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, đây là thông tin rất hữu ích để Bộ Nội vụ tham khảo trong quá trình xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 90/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Việc triển khai bài bản từ mô tả vị trí việc làm, lượng hóa đầu việc đến chấm điểm theo tuần - tháng là cơ sở để xây dựng chính sách lương, thưởng và quy hoạch cán bộ sát thực tiễn hơn.
"Sẽ có nghị định thay thế Nghị định 90, lần này phải lượng hóa được theo mô hình KPI. Thực ra doanh nghiệp làm KPI từ lâu, nhưng khu vực công khó hơn do tính chất hành chính. Tuy nhiên, nếu làm được thì đây là bước tiến lớn. Quan trọng không phải là kỹ thuật, mà là thay đổi tư duy: quản lý theo đầu ra, theo kết quả cụ thể”, ông Nguyễn Quang Dũng nói.
Ông Nguyễn Quang Dũng,Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa
Thời gian làm việc trung bình hiện nay ở Khánh Hòa theo KPI dao động từ 5,5 - 6,1 giờ mỗi ngày, tùy thời điểm và nhóm đơn vị. Đây là số liệu quan trọng để địa phương tính toán các vị trí việc làm. Tại tỉnh Ninh Thuận, bộ công cụ KPI cũng đã được tập huấn, sẵn sàng áp dụng khi hợp nhất với tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1/7.
Từ nay đến hết tháng 9, tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thiện bộ công cụ gồm 4 cấu phần: danh mục vị trí việc làm, mô tả nhiệm vụ cụ thể, khung năng lực và bộ chỉ số đánh giá. Dựa trên đó, tỉnh xây dựng cơ chế lương thưởng mới gắn với KPI, đề xuất Trung ương ban hành bộ KPI triển khai toàn quốc trong thời gian tới.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, KPI giúp lượng hóa công việc, tránh cảm tính trong đánh giá cán bộ. Bởi thực tế, có cán bộ làm nhiều, hiệu quả cao nhưng không nói ra được; có người thì giỏi báo cáo, nhưng kết quả lại không như mong đợi. KPI sẽ giúp nhìn rõ điều đó. Cách làm này giúp chuyển từ đánh giá cảm tính sang lượng hóa kết quả công việc, là bước chuyển quan trọng trong cải cách hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn đánh giá cán bộ và nâng cao chất lượng bộ máy.
Khánh Hòa lựa chọn triển khai KPI nhằm tạo ra thay đổi thực chất trong cách điều hành, quản trị nguồn lực con người và tổ chức công vụ. Trong quá trình đó, ai làm việc hời hợt sẽ lọt vào nhóm tinh giản. Ai làm tốt sẽ được lương thưởng xứng đáng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, KPI không dùng để báo cáo mà dùng để thay đổi cách đánh giá, cách quy hoạch, và cuối cùng là thay đổi chất lượng bộ máy.
"KPI thúc đẩy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm cá nhân. Nó tạo động lực làm việc, khuyến khích học hỏi và đào tạo, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của cá nhân, tổ chức rất rõ. Với cơ quan, đơn vị, việc đánh giá định lượng giúp nhìn rõ hiệu quả công việc, làm căn cứ xếp loại năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Ngoài ra, KPI cũng giúp siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Ai đến muộn, làm ít thì không tích điểm, điều đó thúc đẩy cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc", theo ông Nghiêm Xuân Thành.
Thái Bình/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/ap-kpi-thuc-day-tinh-than-tu-giac-nang-cao-trach-nhiem-can-bo-cong-chuc-post1211077.vov