Khối ngoại quay đầu bán ròng, sắc đỏ bao trùm ngân hàng, bất động sản
Thị trường mở cửa trong trạng thái phân hóa, nhưng áp lực bán gia tăng ở phiên chiều đã kéo hàng loạt cổ phiếu lao dốc, đặc biệt ở các nhóm ngân hàng, tài chính và bất động sản – vốn là lực đỡ chính của thị trường thời gian qua.
Áp lực chốt lời ngắn hạn, VN-Index “bốc hơi” 2,5 điểm trong phiên cuối tuần
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 2,5 điểm, xuống 1.267,3 điểm. HNX-Index giảm 1,08 điểm còn 214,13 điểm, trong khi UPCoM-Index ngược dòng tăng 0,49 điểm lên 93,47 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 18.400 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt gần 17.100 tỷ đồng – giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với phiên trước.
Mặc dù chịu áp lực chốt lời và giảm 2,55% trong phiên, cổ phiếu VIC vẫn duy trì vai trò tâm điểm thị trường sau thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh và sự kiện Vinpearl (VPL) chốt ngày giao dịch chính thức trên HoSE là 13/5 tới. Với 1,8 tỷ cổ phiếu được niêm yết, VPL – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghỉ dưỡng – được định giá gần 130.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD), góp mặt trong top 15 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Vinpearl cũng là công ty thứ 4 thuộc hệ sinh thái Vingroup lên sàn HoSE, sau Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE).
Tương tự VIC, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng được nhà đầu tư “gom” mạnh. Chốt phiên 08/05, GVR tăng trần 6,84% lên 26.550 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch hơn 10 triệu đơn vị – gấp 2,2 lần phiên trước. GVR đang hồi phục mạnh trong 4/5 phiên gần nhất, với mức tăng hơn 12%, tương ứng 3.050 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của GVR hiện đạt khoảng 106.200 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng phân hóa mạnh với phần lớn cổ phiếu chìm trong sắc đỏ: CTG, BID, MSB, HDB, VCB, MBB, EIB, VIB… giảm dưới 1%. LPB là điểm sáng hiếm hoi khi tăng mạnh 4,39% lên 34.500 đồng/cổ phiếu, cùng với các mã tăng nhẹ như STB, TCB, NAB, OCB.
Nhóm bất động sản cũng chịu áp lực chốt lời lớn: VIC -2,55%, NVL -2,38%, TCH -2,75%, SZC -1,85%, KDH -1,22%, KBC -1,45%, HDC -1,08%... Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng như QCG và ITC đều tăng trần, CII +3,08%, D2D +2,4%, HDC +1,82%.
Nhóm chứng khoán giao dịch kém tích cực với: HCM -1,15%, FTS -1,29%, VCI -1,36%, BSI -1,3%, VDS -1,71%… Các cổ phiếu SSI, ORS, CTS, DSE, AGR… giảm dưới 1%.
Một số cổ phiếu bị “xả” mạnh như: VCG -1,39%, HHV -1,23%, PLX -1,64%, BVH -1,43%, DGW -1,03%. Ở chiều ngược lại, nhiều mã vẫn hút dòng tiền, tăng giá đáng chú ý: PNJ +3,24%, CTR +4,82%, FPT +1,49%, HSG +1,02%, VTP +1,42%, DBC +1,45%...
Sau 4 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại quay đầu bán ròng gần 90 tỷ đồng trên HoSE. VCB là cổ phiếu bị bán mạnh nhất với giá trị hơn 184 tỷ đồng, tiếp theo là VHM (133,67 tỷ đồng), NVL (91,44 tỷ đồng), VCG (67,22 tỷ đồng), SSI (67,01 tỷ đồng)… Ở chiều mua, FPT dẫn đầu với 70,87 tỷ đồng, theo sau là MBB (64,15 tỷ đồng), HPG (62,21 tỷ đồng), PNJ (60,64 tỷ đồng), DXG (59,46 tỷ đồng).
Cổ phiếu QCG tím trần nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc và tín hiệu tích cực từ dự án tại Đà Nẵng
Trong phiên giao dịch ngày 9/5, giữa lúc thị trường điều chỉnh nhẹ, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai bất ngờ tăng trần lên 11.600 đồng/cổ phiếu, với dư mua giá trần hơn 857.000 đơn vị. Đây là phiên tăng giá mạnh tiếp theo của mã này sau chuỗi ngày giao dịch tích cực, bất chấp xu hướng chốt lời ngắn hạn đang diễn ra trên thị trường.
Động lực chính giúp QCG bứt phá đến từ thông tin doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2025. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng nhờ hoạt động bàn giao căn hộ và bán hàng được đẩy mạnh trong giai đoạn đầu năm.
Đáng chú ý, một dự án bất động sản và bến du thuyền tại Đà Nẵng do công ty con của Quốc Cường Gia Lai phát triển vừa được chính quyền xác nhận đủ điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai. Dự án này bao gồm 34 căn hộ cao cấp, với diện tích sàn từ 147m² đến hơn 446m² – một phân khúc nhắm đến nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính.
Thông tin tích cực từ dự án Đà Nẵng cùng với đà phục hồi kinh doanh đã thu hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn quay lại với QCG. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng do cổ phiếu này từng trải qua giai đoạn biến động mạnh và phụ thuộc nhiều vào tiến độ pháp lý của các dự án bất động sản.
Hương Trang