Áp lực giữ rừng, nhiều kiểm lâm ở Gia Lai xin nghỉ việc

Áp lực giữ rừng, nhiều kiểm lâm ở Gia Lai xin nghỉ việc
8 giờ trướcBài gốc
Gia Lai hiện có gần 650 ngàn ha rừng, trong đó có 478.687 ha rừng tự nhiên, 156.422 ha rừng trồng và gần 14.900 ha rừng trồng chưa thành rừng. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 315 công chức, người lao động làm nhiệm vụ kiểm lâm, thiếu 46 người so với chỉ tiêu được giao. Đáng chú ý, thời gian tới có đến 80 cán bộ, công chức kiểm lâm đã đăng ký xin nghỉ việc hoặc nghỉ trước thời hạn khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng giữ rừng mỏng, địa hình phức tạp khiến địa bàn xã Ia Mơ trở thành điểm nóng về tình trạng phá rừng. Ảnh: Minh Phương
Đơn cử, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông được giao quản lý hơn 72.545 ha đất có rừng, phân bố tại 11 xã và 2 đơn vị chủ rừng. Ông Trần Anh Tài-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết: “Lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn giáp ranh nhiều huyện và cả tỉnh Đắk Lắk, có tuyến biên giới dài hơn 36 km tiếp giáp Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở, khiến công tác tuần tra, quản lý gặp nhiều khó khăn”.
Điển hình như tại xã Ia Mơ, hiện UBND xã quản lý hơn 13.300 ha rừng nhưng không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Địa phương chỉ hợp đồng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chuyên môn, nên hiệu quả bảo vệ rừng chưa cao. Biên chế được phân bổ cho Hạt Kiểm lâm huyện hiện thiếu 4 người so với chỉ tiêu, trong khi tới đây có thêm 8 người đăng ký nghỉ việc theo chế độ.
“Việc thiếu nhân lực khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải gồng mình bám cơ sở, kể cả ngày lễ, Tết để tìm giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng”-ông Tài chia sẻ.
Việc thiếu nhân lực khiến công tác bảo vệ rừng ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Phương
Không chỉ huyện Chư Prông, nhiều Hạt Kiểm lâm trong tỉnh cũng đang trong tình trạng tương tự. Ông Trương Thanh Hà-Quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp-Kiểm lâm tỉnh thông tin: “Đến nay, đã có 80 cán bộ, công chức đăng ký nghỉ việc hoặc nghỉ trước hạn, trong đó có cả Chi cục phó, Trưởng phòng, Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng-những người giữ vai trò chủ chốt tại các đơn vị”.
Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc lớn trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Nhiều cán bộ lớn tuổi không theo kịp yêu cầu ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng; một số khác thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, nguy hiểm, thu nhập lại thấp nên chuyển sang công việc khác ổn định hơn.
“Ngành kiểm lâm là ngành đặc thù, phải thường xuyên bám rừng, đi rừng dài ngày, làm việc cả ngày lẫn đêm, kể cả lễ, Tết. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp chưa phù hợp, cơ hội phát triển hạn chế. Một số cán bộ trẻ cảm thấy không còn động lực khi chứng kiến áp lực, rủi ro nghề nghiệp quá lớn. Tình trạng nhiều người xin nghỉ việc cùng lúc đang tạo áp lực rất lớn trong việc duy trì hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt tại các điểm nóng”-ông Hà cho biết.
Thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, nguy hiểm, thu nhập lại thấp nên nhiều kiểm lâm đã chuyển sang công việc khác ổn định hơn. Ảnh: Minh Phương
Trước tình hình trên, Chi cục Lâm nghiệp-Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Từ 5 phòng chuyên môn, Chi cục sáp nhập còn 3 phòng; các đơn vị tương đương cấp hạt kiểm lâm giảm từ 24 xuống còn 16. Việc tinh gọn bộ máy giúp giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý, song đồng nghĩa với việc cán bộ mỗi đơn vị phải gánh thêm nhiều công việc hơn. Không chỉ vậy, kế hoạch tăng cường lực lượng cho cơ sở cũng gặp khó khăn.
“Tỉnh đã tổ chức kỳ thi tuyển công chức ngành kiểm lâm, có 21 người đạt yêu cầu, nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành quyết định trúng tuyển do vướng quy định tạm dừng tuyển dụng công chức. Trong khi đó, cán bộ cũ tiếp tục xin nghỉ khiến chúng tôi rất bị động trong bố trí lực lượng”-ông Hà nói.
Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực, ngành Kiểm lâm tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ như: sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, tăng hiệu quả hoạt động; tăng cường lực lượng cho cơ sở, ưu tiên bố trí kiểm lâm tại các địa bàn trọng điểm; trang bị thêm phương tiện, công cụ hỗ trợ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành giữa kiểm lâm, Công an, quân đội, biên phòng và chính quyền địa phương nhằm phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời.
Ngành cũng kiến nghị tỉnh xem xét cơ chế đặc thù cho lực lượng kiểm lâm như tăng phụ cấp, hỗ trợ công tác phí, có chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ.
“Chúng tôi đề xuất cho phép hợp đồng lao động bảo vệ rừng có trình độ phù hợp thay thế tạm thời các vị trí còn thiếu, nhằm duy trì hoạt động quản lý rừng không bị gián đoạn. Chỉ khi có sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm từ nhiều phía thì mới có thể tháo gỡ bài toán giữ rừng giữa lúc thiếu người một cách căn cơ, hiệu quả”-ông Hà khẳng định.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/ap-luc-giu-rung-nhieu-kiem-lam-o-gia-lai-xin-nghi-viec-post321273.html