Áp lực tăng nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực

Áp lực tăng nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực
11 giờ trướcBài gốc
Sau giai đoạn tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu năm nay, nợ xấu của toàn ngành ngân hàng trong Quý III vẫn tiếp tục đi lên.
Theo báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố, ghi nhận nợ xấu tăng lên 56.400 tỷ đồng, tương đương tăng 27,8% so với đầu năm. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt vào cuối Quý III/2024 như VPbank ở mức 4,81%; Bản Việt bank 4,7%; OCB 4,1%.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận định, khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng so với thực tế do các khoản nợ được cơ cấu sẽ ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM cho biết: “Cơ chế của Thông tư 02 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tức là không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền để có nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng. Thực chất là quá trình này phải đi kèm với các giải pháp từ các tổ chức tín dụng như trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm an toàn về tài chính, an toàn vốn và nâng cao hiệu quả tín dụng”.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp còn chậm sau cơn bão Yagi làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Theo thông tin cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, toàn hệ thống ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vẫn đang được ngân hàng tiếp tục cơ cấu theo Thông tư 02, tăng thêm 27.000 tỷ đồng so với con số ước tính cuối tháng 9/2024. Điều này cũng đồng nghĩa những khoản nợ này sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai khi không được gia hạn thêm.
TS. Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp nào thực sự tốt thì cũng đã cơ cấu lại và họ cũng có khả năng trả nợ rồi, còn những doanh nghiệp nào trong thời gian qua mà vẫn chưa tìm được hướng đi tốt hay không còn khả năng tài chính để trả nợ thì theo tôi cho dù có kéo dài thời hạn Thông tư thêm nữa thì những doanh nghiệp này cũng khó có khả năng trả những khoản nợ trước đó, bởi vậy khi Thông tư này hết hiệu lực thì chắc chắn có một số doanh nghiệp sẽ thành nợ xấu”.
Nợ xấu gia tăng, các ngân hàng không chỉ mạnh tay trích lập dự phòng mà còn phải rao bán các loại tài sản thế chấp từ nhà, đất, ô tô, máy móc… để thu hồi nợ. Song công tác xử lý nợ xấu lại đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ xử lý chậm.
Thông tư 02 hiện chỉ còn hiệu lực chưa đầy một tháng, song đến hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn thời gian áp dụng. Nhiều ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính nếu không có biện pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu mạnh mẽ hơn.
Diệp Võ
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/ap-luc-tang-no-xau-khi-thong-tu-02-het-hieu-luc-285412.htm