Áp lực tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu để huy động vốn

Áp lực tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu để huy động vốn
20 giờ trướcBài gốc
Các ngân hàng cho biết việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm bổ sung vốn cấp 2. Tuy nhiên, điều này diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động bị kiểm soát chặt chẽ, tạo thêm áp lực lên bài toán chi phí vốn tăng, tạo áp lực lên biên lãi ròng, đặc biệt với các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thấp.
Áp đảo trong cả "vai" người bán và người mua
Giới phân tích tin tưởng lượng phát hành TPDN sẽ khả quan hơn trong năm nay. Khối lượng phát hành vẫn sẽ được dẫn dắt bởi trái phiếu ngân hàng. Thực tế cho thấy, từ năm ngoái đến nay, ngân hàng thương mại gần như áp đảo toàn bộ thị trường TPDN trong cả “vai” người bán lẫn “vai” người mua, sự tham gia tích cực của ngân hàng khiến quy mô thị trường này tăng.
Cập nhật các đợt phát hành TPDN trong tháng 3, từ phía các tổ chức tín dụng (TCTD) có sự tham gia của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) với 2 lô trái phiếu trị giá 2.900 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, loại hình phát hành trái phiếu ra công chúng, lãi suất lần lượt tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng lớn + 2,9%/năm và 3,2% năm, kỳ hạn 7 năm và 10 năm.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) huy động 2.199 tỷ đồng, loại trái phiếu phát hành ra công chúng, lãi suất bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng lớn + 1,5% /năm, kỳ hạn 6 năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành tổng cộng 6.767 tỷ đồng trái phiếu; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành 6.183 tỷ đồng trái phiếu…
Trong năm nay, khối lượng TPDN phát hành vẫn sẽ được dẫn dắt bởi các ngân hàng.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến nhiều đơn vị lên kế hoạch phát hành mới. Điển hình, VietinBank chuẩn bị phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 2 với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng, còn ACB dự tính huy động 20.000 tỷ đồng thông qua 10 đợt phát hành riêng lẻ.
Qua bức tranh phát hành TPDN các tháng đầu năm, với sự khởi động tích cực ở thị trường sơ cấp của nhóm ngân hàng, đặt trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2025. Mục đích phát hành là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng và do yêu cầu giảm lãi suất tiết kiệm sẽ làm cho gia tăng khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi.
Trong báo cáo vừa phát hành, FiinRattings dự báo giá trị dư nợ của thị trường TPDN năm 2025 sẽ tăng 15-20%. Trong đó, ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh phát hành tăng vốn cấp 2 là TPDN nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng như định hướng của Chính phủ, trong khi mặt bằng lãi suất huy động được kiểm soát để không tăng.
Điều này sẽ tạo áp lực lên việc đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn hiện tại như quy định về LDR (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn) và sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cấp 1 (vốn cổ phần) nhưng đòi hỏi thời gian dài và phụ thuộc vào bối cảnh của thị trường chứng khoán để có thể thực hiện và hoàn tất.
Quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng được sớm kỳ vọng sẽ được áp dụng trong nửa cuối 2025 làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hàng hóa trái phiếu và thu hút nhà đầu tư tham gia kênh đầu tư này trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm được duy trì thấp.
Nhu cầu và áp lực tái tài trợ, tái cấu trúc vốn tăng cao từ các ngành có mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu... trong các quý tới.
FiinRattings cho rằng các ngân hàng vẫn là người mua chính đối với TPDN. Việc có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao sẽ làm cơ sở để các ngân hàng thương mại gia tăng tỷ trọng đầu tư hoặc cấu trúc tín dụng dưới hình thức TPDN.
Dự báo lãi suất huy động tăng trở lại trong quý II
Việc đẩy mạnh phát hành TPDN khiến chi phí vốn (COF) của các ngân hàng có xu hướng tăng trong năm 2025. Chứng khoán Yuanta ước tính COF có thể tăng 10-50 điểm cơ bản do áp lực tỷ giá USD/VND và nhu cầu huy động vốn dài hạn qua trái phiếu.
Mặt khác, phát hành trái phiếu dài hạn là giải pháp giúp các ngân hàng tuân thủ quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn ở mức trần 30%, đặc biệt với những ngân hàng tập trung vào cho vay dài hạn. Tuy nhiên, điều này làm tăng chi phí vốn, trong khi lãi suất cho vay bị kiểm soát, có thể thu hẹp biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng.
Những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, VPBank, TPBank, VietinBank sẽ có lợi thế hơn trong việc kiểm soát chi phí vốn và tối ưu NIM.
Cuối năm 2024, tỷ lệ CASA của MB đạt 38%, Techcombank ở mức 35,9%, Vietcombank đạt 35%, MSB là 24,9%, VietinBank là 23,9%, ACB là 22%, TPBank là 20,9%, BIDV là 19,5%, SeABank là 18,8%, Sacombank là 18%.
Ngược lại, một số ngân hàng có CASA thấp như Bac A Bank (2,92%), VietA Bank (4,07%), VietBank (4,95%), Nam A Bank (6,31%), KienLong Bank (6,43%) sẽ gặp áp lực lớn khi chi phí vốn leo thang. Trong bối cảnh này, chiến lược duy trì CASA cao và tối ưu hóa chi phí vận hành sẽ là yếu tố then chốt giúp các ngân hàng đảm bảo lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.
Đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, về lãi suất, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II và chỉ tăng 0,02% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, tăng 0,17% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống được dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II và cả năm 2025.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ap-luc-tang-truong-tin-dung-cao-ngan-hang-don-dap-phat-hanh-trai-phieu-de-huy-dong-von-1105883.html