Tàu container của Cosco, hãng vận tải biển lớn nhất Trung Quốc, cập bến tàu ở cảng Long Beach, bang California, Mỹ hôm 3-4. Tính từ đầu năm đến nay, Mỹ đã công bố áp thuế tổng cộng 54% lên hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Thuế đối ứng của Mỹ dự kiến gây hậu quả nặng nề nhất đối với châu Á, nơi được xem là “công xưởng của thế giới”. Các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản chịu mức thuế đối ứng từ 24-36%. Trong khi đó, sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chịu mức thuế từ 32-49%.
Rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái đang tăng lên sau khi hôm qua, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế trả đũa 34% vào tất cả hàng hóa của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 10-4 tới. Thông tin này khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa với mức giảm hơn 2.200 điểm, tương đương 5,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2020.
Thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump được đưa ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế châu Á đang vật lộn với tăng trưởng chậm, lạm phát dai dẳng khiến một số ngân hàng trung ương bị đặt vào tình trạng báo động cao.
Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nơi khác ở châu Á sẽ giảm lãi suất để củng cố tăng trưởng.
Các nhà kinh tế dự báom mức thuế bổ sung 54% mà Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc kể từ đầu năm sẽ khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất mát từ 102 điểm phần trăm.
“Thuế quan có thể gây ra cú sốc tăng trưởng đáng kể cho khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương ở khu vực này có thể sẽ ưu tiên tăng trưởng hơn là lo ngại về lạm phát”, Neumann nói.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng giảm dự báo tăng trưởng của châu Á và dự đoán chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn ở Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nền kinh tế Đông Nam Á bao gồm Indonesia và Malaysia.
“Tác động đến ASEAN lần này rõ rệt hơn. Do khoảng cách thuế quan xuất khẩu hàng sang Mỹ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN Việt Nam và Thái Lan thu hẹp lại nên chiến lược trước đây của Trung Quốc là chuyển hướng xuất khẩu qua ASEAN giờ đây có thể kém hiệu quả hơn. Do đó, động lực thương mại có thể thay đổi một lần nữa”, Selena Ling, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng OCBC bình luận.
Theo nhận định của chuyên gia này, thuế đối ứng sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của khu vực. Trong đó, Việt Nam là nước chịu tổn thương lớn nhất, tiếp theo là Thái Lan, trong khi Philippines sẽ chịu ít tác động nhất. Selena Ling dự đoán, Indonesia và Ấn Độ ít nhạy cảm hơn với thuế đối ứng nhờ thị trường nội địa rộng lớn.
Bà dự báo, trong năm nay, ngân hàng trung ương của năm nước nói trên sẽ cắt giảm lãi suất cao hơn 50 điểm cơ bản (0,5%) so với dự kiến trước đây.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi dự đoán, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ giảm lãi suất thêm ba đợt trong năm nay trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi do thuế quan của Mỹ. Hồi tháng Ba rồi, RBI giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, xuống còn 6,25% vào tháng Hai, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau gần 5 năm.
Trong cuộc họp tuần tới, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) có thể hạ lãi suất 25 điểm cơ bản. Theo các nhà kinh tế của ngân hàng ING, lạm phát hạ nhiệt cùng với áp lực thuế quan của Mỹ thúc đẩy BSP tiếp tục chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Với áp lực lạm phát vẫn ở mức thấp trong những tháng tới và những trở ngại tiềm ẩn đối với tăng trưởng do thuế quan, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) có thể hạ lãi suất thêm 3 đợt trong năm nay, đưa chi phí vay cơ bản về còn 1,25% từ mức 2% hiện nay, theo nhận định của ngân hàng Bank of Amercia (BofA).
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira dự đoán, tăng trưởng GDP của Thái Lan thể giảm 1 điểm phần trăm do tác động của thuế quan.
Chetan Ahya , nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng Morgan Stanley nhận thấy khả năng lãi suất của các nền kinh tế châu Á sẽ giảm thêm 50-100 điểm cơ bản so với kịch bản dự báo trung tâm.
Úc và New Zealand nằm trong số những nền kinh tế chỉ bị Mỹ áp mức thuế cơ bản tương đối nhẹ là 10%. Tuy nhiên, với nền kinh tế trong nước này chỉ ở quy mô nhỏ, hai nước này đặc biệt phụ thuộc vào thương mại toàn cầu để củng cố sự thịnh vượng.
Thị trường tiền tệ hiện định giá Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ giảm lãi suất thêm 4 đợt nữa trong năm nay. Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) dự kiến cắt giảm lãi suất 0,25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 9-4 tới. Các nhà kinh tế của ngân hàng Westpac cho biết, thuế quan của Mỹ là lý do khiến các nhà hoạch định chính sách của RBNZ duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ.
Theo Bloomberg, Reuters
Chánh Tài