Một vùng áp thấp ở phía Đông Philippines, đã được đề cập trong một bản tin trước, đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nhanh hơn dự báo, cho thấy diễn biến phức tạp của nó.
Vào chiều thứ Tư, 16/7, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ ghi ký hiệu ATNĐ này là 96W, còn cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA) ghi tên nó là Crising. Dự báo ATNĐ này phát triển rất nhanh, có thể ngay trong ngày 17/7 đã trở thành bão.
Hiện tại, sức gió duy trì tối đa của Crising là khoảng 45 - 50 km/h (cấp 6 - 7). Crising đang củng cố sức mạnh trong điều kiện môi trường tương đối thuận lợi, với độ đứt gió trung bình và bề mặt nước biển ấm (30 - 31oC).
Vị trí của ATNĐ Crising lúc chiều 16/7 (giờ Việt Nam). Ảnh: Zoom Earth, JMA/ NOAA/ CIRA, Himawari.
Các mô hình toàn cầu đang khá thống nhất rằng ATNĐ Crising sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc và tăng cường độ dần trong 2 ngày tới, sau đó sẽ di chuyển vào Biển Đông.
Cụ thể hơn, các mô hình đều nhận định, sau khi mạnh lên thành bão, Crising sẽ vào Biển Đông vào khoảng đêm 18/7 hoặc trong ngày 19/7.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo khi vào Biển Đông, Crising sẽ có sức gió khoảng 108 km/h (cấp 11). Còn mô hình của châu Âu (ECMWF) và của Mỹ (GFS) dự báo sức gió sẽ khoảng 70 km/h hoặc hơn một chút (cấp 8 - 9).
Dự báo của PAGASA trong bản tin trưa 16/7 (xin lưu ý là dự báo này mới đến ngày 21/7, chứ không phải ngày 21/7 là bão tan). Ảnh: PAGASA.
Với nhận định như trên của các mô hình lớn, khả năng Crising trở thành bão (tên quốc tế dự kiến là bão Wipha) rồi đi vào Biển Đông là cao. Trong trường hợp đó, nước ta sẽ gọi đó là cơn bão số 3. Dự báo khả năng nó ảnh hưởng đến thời tiết miền Bắc nước ta cũng là cao, nên người dân lưu ý theo dõi các cập nhật tiếp theo để có sự chuẩn bị phù hợp.