Áp thuế 20% trên lãi chứng khoán: Mức đề xuất quá cao, lo nhà đầu tư rời bỏ thị trường

Áp thuế 20% trên lãi chứng khoán: Mức đề xuất quá cao, lo nhà đầu tư rời bỏ thị trường
2 ngày trướcBài gốc
Mức thuế quá cao và khó thực thi
Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Thu nhập tính thuế chuyển nhượng được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế theo năm.
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân được tính bằng 0,1% giá bán đối với từng lần chuyển nhượng.
Trước đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (hiệu lực từ năm 2009) quy định hai phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán: 20% trên thu nhập năm hoặc 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.
Tới Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi (có hiệu lực từ năm 2015) quy định thống nhất một phương pháp tính thuế thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Trao đổi với PV VietNamNet về đề xuất mới này, giám đốc khối nghiên cứu một công ty chứng khoán cho rằng mức 20% trên lãi là quá cao và nếu thực thi sẽ tác động mạnh tới thị trường. Thị trường chứng khoán đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nắm giữ ngắn hạn, ít người mua nắm giữ dài hạn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam không so sánh được với các thị trường phát triển. Thậm chí, nhiều thị trường cận biên như Việt Nam còn miễn thuế.
Mức thuế 20% đề xuất đánh trên lãi chuyển nhượng chứng khoán được cho là quá cao và chưa phù hợp. Ảnh: HH
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Nhân, chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty Chứng khoán SSI, cũng cho rằng mức thuế đề xuất 20% đánh trên lãi chuyển nhượng chứng khoán là quá cao và không khả thi, cả nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư lướt sóng (T+). Nếu áp dụng, có thể nhiều nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường.
Ông Nhân lấy ví dụ với cổ phiếu DIG. Trong năm 2021, cổ phiếu này tăng từ 20.000 đồng/cp lên 100.000 đồng/cp, đến năm 2022 lại giảm mạnh về 10.000 đồng/cp.
Trường hợp nhà đầu tư dài hạn mua vào ở mức 20.000 đồng/cp và giữ đến khi giá lên 100.000 đồng mới bán, tính theo mức thuế hiện hành (0,1% trên giá trị giao dịch), số thuế phải nộp là 100 đồng/cp. Tuy nhiên, nếu áp dụng đề xuất mới, thuế sẽ là 20% trên phần lãi (100.000 - 20.000 = 80.000 đồng), tương đương 16.000 đồng/cp - cao gấp 160 lần mức cũ.
Trong trường hợp khác, một nhà đầu tư lướt sóng bán ra ở mức 100.000 đồng/cp (lãi 80.000 đồng), nộp thuế 16.000 đồng, sau đó mua lại cổ phiếu cũng với giá 100.000 đồng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu sau đó giảm về 20.000 đồng/cp, khiến nhà đầu tư lỗ 80.000 đồng. Như vậy, dù tổng lãi - lỗ bằng 0, nhà đầu tư vẫn mất 16.000 đồng tiền thuế đã nộp trước đó. Với khoản đầu tư ban đầu chỉ 20.000 đồng, mức thuế này gây thiệt hại đáng kể.
Thậm chí, nếu nhà đầu tư giữ cổ phiếu suốt hai năm, giá tăng từ 20.000 đồng/cp lên 100.000 đồng rồi lại rớt về 20.000 đồng mà không bán giữa chừng, thì sẽ hòa vốn và không phải nộp thuế.
Như vậy, chỉ một thao tác bán đi ở mức 100.000 đồng rồi lại mua lại ở mức 100.000 đồng/cp thì nhà đầu tư đã lỗ tới 16.000 đồng, tức 80% vốn ban đầu 20.000 đồng.
Điều này có thể đồng nghĩa với việc giao dịch sẽ ít đi, thanh khoản thấp đi và thị trường vốn đã kém sôi động phần lớn thời gian, nay càng kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Cổ phiếu tại Việt Nam biến động mạnh, nhà đầu tư thiệt
Ông Phan Văn Nhân cũng lưu ý một điều là cổ phiếu Việt Nam biến động rất mạnh, tăng nhanh rồi xuống nhanh. Còn tại một số quốc gia, như Mỹ, cổ phiếu lớn tăng theo thời gian, có khi cả thập kỷ, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.
Như vậy, trong năm giá cổ phiếu lên, nhà nước thu 20% lãi, còn năm xuống các nhà đầu tư sẽ rất thiệt thòi. Như cổ phiếu DIG chẳng hạn, từ 2021 đến nay vẫn đang đi ngang, tính tới cuối phiên giao dịch 22/7 vẫn ở mức 20.500 đồng/cp, tương đương mức đầu năm 2021, cho dù có thời điểm lên 100.000 đồng/cp.
Cổ phiếu tại Việt Nam biến động mạnh, thị trường phần lớn thời gian kém sôi động, không hấp dẫn nhà đầu tư, nếu áp thuế ở mức cao sẽ tạo thêm khó khăn.
Cũng theo chuyên gia này, các công ty Mỹ mang tính toàn cầu, tăng trưởng vài chục năm. Chu kỳ tăng trưởng hàng thập kỷ, trường hợp giá cổ phiếu tăng ổn định dài hạn, việc áp thuế trên lãi chứng khoán là hợp lý. Các công ty Việt Nam có quy mô nhỏ, chu kỳ tăng trưởng ngắn, nhiều nhất là vài năm. Có khi chỉ vài quý doanh nghiệp đã hết đà tăng trưởng.
Do đó, ông Nhân cho rằng vẫn nên duy trì mức thuế 0,1% áp trên giá trị từng lần giao dịch, như vậy sẽ kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường.
Tại một số nước, hầu hết các loại thuế thu nhập từ vốn và chứng khoán cũng phải nộp thuế, nhưng cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết.
Chẳng hạn, Indonesia đang áp dụng mức thuế khấu trừ tại nguồn 0,1% đối với doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tại Philippines, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán niêm yết là 0,6% giá trị giao dịch; thu từ bán chứng khoán chưa niêm yết bị đánh thuế 15%.
Ở Nhật Bản, thu nhập từ việc bán một số chứng khoán cụ thể được đánh thuế tách biệt với các nguồn thu nhập khác, tỷ lệ cố định là hơn 20%.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ap-thue-20-tren-lai-chung-khoan-qua-cao-lo-nha-dau-tu-roi-bo-thi-truong-2424764.html