Áp thuế 20% với BĐS và CK, không để nhà đầu tư chịu thiệt

Áp thuế 20% với BĐS và CK, không để nhà đầu tư chịu thiệt
một ngày trướcBài gốc
Cân nhắc lộ trình phù hợp cho BĐS
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN hiện hành đang quy định mức thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức thu này chưa phản ánh đúng bản chất thu nhập từ giao dịch kinh tế và cần thay đổi theo hướng đánh thuế 20% trên phần lãi thực tế, tức phần chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan.
Tiếp thu góp ý, dự thảo Luật Thuế TNCN hiện đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến có bổ sung phương án tính thuế 20% trên phần thu nhập tính thuế từ BĐS. Theo Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ cho thấy việc áp dụng phương pháp này có thể đảm bảo số thuế tương đương mức thu hiện hành, đồng thời sẽ có lợi hơn trong một số trường hợp không phát sinh lãi hoặc bị lỗ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cách tính thuế này cần có lộ trình phù hợp, gắn với mức độ hoàn thiện của chính sách đất đai, nhà ở, hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký, chuyển nhượng BĐS. Điều này nhằm đảm bảo cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để xác định đúng thu nhập chịu thuế.
Cùng với việc đổi phương pháp tính thuế, dự thảo luật cũng đề xuất thuế suất TNCN đối với giao dịch BĐS theo thời gian nắm giữ tài sản, nhằm hạn chế đầu cơ và thao túng giá. Đây là nội dung thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ trong các văn bản như: Nghị quyết 18/NQ-TW, Công điện 03/CĐ-TTg và Thông báo 294/TB-VPCP.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế, khi nhiều quốc gia áp dụng mức thuế TNCN khác nhau tùy theo tần suất giao dịch và thời gian nắm giữ BĐS, nhằm tăng chi phí đối với hành vi đầu cơ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm kinh nghiệm từ các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Thuế CK hướng đến sự công bằng
Cũng trong dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến đóng góp dự án một trong những nội dung đang được chú ý là mức thuế chuyển nhượng CK đối với nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, Khoản 4 Điều 3, Điều 13, Khoản 2 Điều 21, Điều 23 Luật Thuế TNCN quy định: Đối với hoạt động chuyển nhượng CK, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, mỗi lần chuyển nhượng thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng. Trong quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế. Cũng có ý kiến cho rằng cần tăng mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng CK lên mức cao hơn.
Tại một số nước, hầu hết các loại thu nhập đều phải nộp thuế. Tuy nhiên cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có 14 quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa CK niêm yết và CK chưa niêm yết.
Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định về thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng CK của cá nhân như sau: Thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng CK của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng CK được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng CK trong kỳ tính thuế (theo năm).
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng CK thì thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng CK được xác định bằng giá bán CK nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng. Việc đang thống nhất tính mức thuế 0,1% từng lần chuyển nhượng lại chuyển sang lấy ý kiến 2 phương pháp tính thuế nêu trên của Bộ Tài chính, đang gây tranh cãi trong giới đầu tư. Bởi đa phần đều đồng tình với cách tính cũ 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta, dự thảo sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản trong ngắn hạn. Đồng thời, theo quan sát các thị trường thanh khoản cao cũng đang áp dụng mức thuế suất thu nhập cá nhân trên thu nhập từ chuyển nhượng CK.
Tuy nhiên, so sánh 2 phương pháp tính thuế trên cho thấy, thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng thường áp dụng phổ biến tại các nước đang phát triển, thuế suất nhỏ, dễ thu song có thể khiến hạn chế thanh khoản vì làm tăng chi phí giao dịch. Về tâm lý nhà đầu tư thì khiến khó chịu khi lỗ vẫn phải đóng thuế. Mặc dù vậy, cách tính này đơn giản, dễ thu và dễ áp dụng.
Trong khi đó, thu thuế 20% trên lãi sẽ công bằng hơn vì chỉ thu khi có lãi và không làm ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn, thuận lợi giao dịch khi tần suất cao và thường áp dụng tại các thị trường phát triển, nơi hệ thống chuẩn hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn:
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), trong đó sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế TNCN hiện hành với 6 nhóm chính sách.
Thứ nhất, nhóm chính sách về hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế.
Thứ hai, nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thu nhập được miễn thuế, giảm thuế TNCN để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với yêu cầu thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân và phát triển bền vững, nông nghiệp nông thôn.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh.
Thứ tư, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của các chỉ số kinh tế vĩ mô, chỉ số giá và mức sống của người dân trong thời gian qua và dự báo giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ đặc thù khác.
Thứ năm, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các mức thuế suất tại biểu thuế toàn phần đối với một số loại thu nhập.
Thứ sáu, rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ tính thuế, khấu trừ thuế, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của người nộp thuế.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân về hồ sơ dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế). Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân để có đề xuất chính sách phù hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lưu Thủy
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/ap-thue-20-voi-bds-va-ck-khong-de-nha-dau-tu-chiu-thiet-post124566.html