Một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế đến 27,83%
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1959/QĐ- BCT về việc áp dụng chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ.
Theo đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được phân loại theo mã HS. Có 17 tổ chức cá nhân sản xuất, xuất khẩu thép Trung Quốc bị áp thuế lần này.
Theo Kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương, có tồn tại hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, lượng hàng hóa bị điều tra bán phá giá nhập khẩu từ Ấn Độ trong thời kỳ điều tra là không đáng kể (nhỏ hơn 3%) so với tổng lượng nhập khẩu;
Ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt đáng kể và có mỗi quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá từ Trung Quốc với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số mặt hàng thép cán nóng từ Trung Quốc và chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ.
Mức thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc là 23,1%; 26,94% và 27,83%, tùy doanh nghiệp. Thời hạn áp thuế là 5 năm, kể từ ngày 6-7 (trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Bên cạnh đó, tại Điều 2 của Quyết định số 1959/QĐ-BCT chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và không áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Cộng hòa Ấn Độ. Nội dung chi tiết được nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.
Trước những bất ổn của thương mại toàn cầu, nhiều chuyên gia dự báo đã từng dự báo có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Do đó, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp để ngăn chặn tình trạng này.
V.H