Áp thuế giá trị gia tăng 5% phân bón: Mang lại quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân

Áp thuế giá trị gia tăng 5% phân bón: Mang lại quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân
21 giờ trướcBài gốc
Bảo đảm cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu
Chiều 26-11-2024, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Một trong những điểm mới của luật này là phương án áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón được các chuyên gia đánh giá giúp bảo đảm cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích: Phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, khi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế. Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón và cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.
Giải thích về vấn đề áp dụng thuế GTGT 5% có làm tăng giá phân bón, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Theo cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm dưới 30%) sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá trị thị trường phân bón. Với chính sách áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng thị trường, đem lại lợi ích lớn cho người nông dân.
Hoạt động sản xuất phân bón tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: THANH NGỌC
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nếu áp thuế GTGT 10% hoặc 0% phân bón thì người nông dân sẽ không được lợi gì, mà còn bị thiệt. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không thu được thuế từ sản xuất trong nước lại càng không thu được thuế từ doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, đánh thuế 0% là không được mà 10% thì quá cao. Trong giai đoạn 2013-2014, qua khảo sát 4 doanh nghiệp phân bón lớn, giá đầu vào phân bón nhập khẩu khoảng 3-4%. Do đó, áp thuế 5% đối với phân bón là có cơ sở để đủ khấu trừ phần chiết khấu thuế đầu vào cũng không làm tăng giá trị phân bón quá nhiều, đáp ứng được yêu cầu của các bên.
Ông Lê Văn Ngân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin: Trong 10 năm gần đây, kể từ khi Luật Thuế GTGT có hiệu lực năm 2014, việc đầu tư mới cho các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp phân bón bị chậm lại. Hiện nay, dây chuyền sản xuất của một số nhà máy phân bón lớn là thành viên của Hiệp hội vẫn lạc hậu. Đưa thuế GTGT từ diện không chịu thuế về diện chịu thuế GTGT 5%, khi đó doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại. Từ đó giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn. Khi đó, Việt Nam sẽ có những cải tiến về năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới sẽ dễ dàng hơn.
Để luật sớm đi vào cuộc sống
Việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón được đánh giá mang lại nhiều lợi ích, song để luật này sớm đi vào cuộc sống thì các bộ, ngành, nhất là các địa phương cần chủ động chuẩn bị và khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Việc xây dựng kế hoạch là nội dung rất quan trọng và cần thiết để dự kiến các công việc cần triển khai, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật ngay từ thời điểm có hiệu lực (ngày 1-7-2025). Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật bằng các hình thức phù hợp nhằm sớm đưa các văn bản luật vào cuộc sống. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan, phương tiện thông tin, báo chí, mạng xã hội, phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi luật đến toàn dân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón và người nông dân. Chủ động nắm bắt, theo dõi, tháo gỡ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật.
Để Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được triển khai hiệu quả, theo các chuyên gia, Nhà nước cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác thi hành pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành luật.
LA DUY
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ap-thue-gia-tri-gia-tang-5-phan-bon-mang-lai-quyen-loi-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-810505