Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa là 'đẩy lùi sinh hoạt về 40-50 năm trước'

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa là 'đẩy lùi sinh hoạt về 40-50 năm trước'
6 giờ trướcBài gốc
Đời sống đi lên, điều hòa là cần thiết
Sáng nay (22/11), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo dự thảo luật quy định, đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ dưới 90.000 BTU trở xuống đánh thuế 10%.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đúng là điều hòa có gây ô nhiễm môi trường, nhưng đời sống lên thì dùng điều hòa là nhu cầu thiết yếu.
"Mùa hè nóng, nhất là ở thành phố thì liệu có chịu được khi không có điều hòa? Nhu cầu dùng điều hòa như dùng xăng để đi xe, vì vậy điều hòa có nên là mặt hàng có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hay không", ông Huân nêu vấn đề.
Theo vị đại biểu đoàn Bình Dương, thuế TTĐB nên áp dụng với loại hàng đặc biệt, nếu không dùng thì cũng không làm sao, như thuốc lá, rượu bia. Còn điều hòa là mặt hàng phổ thông để phục vụ cuộc sống, thì cần cân nhắc khi áp dụng.
"Nếu không có điều hòa thì con người chịu làm sao được, nhất là lúc đang làm việc. Tôi cho rằng nên cân nhắc việc này", ông Huân nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, hiện điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển, hầu hết các gia đình có đời sống "đủ ăn" là có thể mua được một chiếc điều hòa.
Chưa kể, với điều kiện thời tiết như Việt Nam, một giấc ngủ ngon là không thể thiếu chiếc điều hòa. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động sau một ngày mệt nhọc.
Ông Hoàng dẫn chứng, năm 1998, điều hòa từng bị áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 20%, đến năm 2008 thấy không hợp lý nên kéo xuống 10%. Lẽ ra, dự thảo lần này phải đưa điều hòa ra khỏi danh mục chịu thuế thì mới hợp lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề hiện nay, điều hòa nhiệt độ có phải là mặt hàng xa xỉ hay không?
Theo đại biểu Nghĩa, hiện nay nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, có nghĩa đang "đẩy lùi sinh hoạt của Việt Nam về 40-50 năm trước".
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ. Vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.
"Trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế.
Không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân", ông Mạnh cho hay.
"Nhiều người dân ở tại các nhà trọ, trời nóng bức, họ lắp điều hòa để sử dụng cho gia đình, con cái. Mặt khác, không phải lúc nào họ cũng sử dụng điều hòa, mà có tính thời điểm, nên đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý", ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Vị đại biểu đoàn TP.HCM cũng nêu rõ, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời, điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng.
Thuốc lá gây tổn thất 108 nghìn tỷ đồng/năm
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự Luật này, đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.
Đối với đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, sử dụng thuốc lá được WHO đánh giá là nguyên nhân gây nên 28 nhóm bệnh.
Ước tính Việt Nam hằng năm có vài chục nghìn ca bệnh chết liên quan đến bệnh do các nhóm bệnh gây ra. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá còn làm tăng chi phí y tế và tổn thất kinh tế.
Theo ước tính thì tổn thất hằng năm lên đến 108 nghìn tỷ đồng và thuế thu nhập chỉ đạt khoảng 1/5. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá ở nam giới ở Việt Nam vẫn còn cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Bộ trưởng Lan cho hay, thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chiếm 34-38%, trong khi đó ở các nước trên thế giới trung bình khoảng 62%. Có những nước như: Thái Lan 81%, Indonesia là 72,9%, Singapore là 66,3%.
Đối với đánh thuế rượu bia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, WHO đánh giá và có bằng chứng khoa học rằng, sử dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 nhóm bệnh tật và rối loạn sức khỏe, bao gồm: xơ gan, ung thư và các rối loạn tâm thần do rượu.
Đặc biệt, rượu bia cũng gây nên vấn đề thương tích và tử vong do TNGT và là yếu tố nguy cơ gây nên bạo lực gia đình.
Uống rượu bia cũng gây nên 46 nghìn ca tử vong trong năm 2021 (chiếm 6% tỷ lệ tử vong hằng năm). Về phía Bộ Y tế theo tính toán thì tỷ lệ sử dụng rượu bia cũng tăng rất cao: Năm 2020 là 9,3L cồn/người trưởng thành. Vì vậy, Bộ Y tế cũng thống nhất đối với phương án đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá.
Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì… từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5L/người năm 2009 lên 66L/người năm 2023 là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên từ gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Những người này có nguy cơ mắc bệnh mãn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
"Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASEAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Phùng Đô
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-dieu-hoa-la-day-lui-sinh-hoat-ve-40-50-nam-truoc-192241122115858316.htm