Rắn được xem là biểu tượng của sự thông minh, linh hoạt và bền bỉ. Trong năm Ất Tỵ này, bất kỳ ai, bất kỳ ngành nghề nào cũng đầy hứng khởi, mong ước mở ra một chặng đường mới với nhiều hy vọng và khát khao đổi thay.
Đối với những giáo viên Gen Z - thế hệ trẻ mang trong mình nhiệt huyết và tư duy đổi mới. Những ngày trở lại làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, đây không chỉ là thời điểm để nhìn lại hành trình giảng dạy, mà còn là lúc ấp ủ những mong ước cho sự nghiệp "trồng người".
Tâm sự của giáo viên GenZ về nghề "lái đò"
Là một giáo viên thuộc thế hệ GenZ, cô giáo Hồ Hoàng Thục Linh (SN 1998, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Chơn Thành A với vai trò là giáo viên dạy môn chung) nhận thấy công tác giảng dạy trong thời đại 4.0 mang đến nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Với lợi thế về công nghệ và kỹ năng thiết kế bài giảng, các giáo viên trẻ có thể tạo ra những tiết học sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh hào hứng tiếp thu kiến thức.
"Bên cạnh đó, việc được hưởng một nền giáo dục bình đẳng và cởi mở, thế hệ giáo viên GenZ có thể dễ dàng kết nối với học sinh, hiểu được ngôn ngữ, cảm xúc của các em. Nhờ đó, không khí lớp học luôn sôi nổi, học sinh mạnh dạn bày tỏ quan điểm và chủ động trong việc học tập", cô giáo Thục Linh chia sẻ.
Cô giáo Hồ Hoàng Thục Linh
Tuy nhiên, cũng theo cô giáo Thục Linh, bên cạnh những thuận lợi, giáo viên GenZ vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. So với các thế hệ đi trước, họ còn thiếu kinh nghiệm và sự sâu sắc, đòi hỏi không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng giảng dạy cũng như tiếp thu cái mới để hoàn thiện bản thân.
Với cô Linh, nghề giáo nhiều khó khăn nhưng cũng không ít niềm vui
Với riêng cô giáo mầm non Hoàng Thị Hương (SN 1999), công việc của cô có những đặc thù khá riêng biệt so với những giáo viên các bậc khác. Theo cô Hương, ở bậc mầm non, cô không chỉ giảng dạy mà còn kiêm luôn việc chăm sóc sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cho trẻ. Đôi lúc, khối lượng công việc quá tải khiến cô cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy ánh mắt ngây thơ, đáng yêu của các bé, cô lại có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.
Là một giáo viên GenZ chính hiệu, cô Hương cảm nhận rõ rệt niềm vui khi được đồng hành cùng những bạn nhỏ thông minh, nhạy bén. "Các bé ngày nay có tính chủ động cao, giúp cho việc dạy dỗ trở nên thú vị và bớt căng thẳng hơn", cô Hương nói.
Cô giáo mầm non Hoàng Thị Hương
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, cô Hương cũng không ít áp lực, đặc biệt là từ phía phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng rất cao vào con mình, khiến cô cũng chịu áp lực không nhỏ. Khi kết quả không được như mong đợi của phụ huynh, cô không tránh khỏi cảm giác căng thẳng. Nhưng chính điều đó lại trở thành động lực để cô không ngừng nỗ lực, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm nhằm giúp các bé phát triển tốt nhất.
Ấp ủ trong năm mới Ất Tỵ
Trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cô Linh cũng có những trăn trở khi lo rằng các học trò sẽ quên kiến thức được giảng dạy trước đó. Tuy nhiên, cô Linh quan niệm rằng việc học không chỉ nằm trong sách vở mà còn đến từ những trải nghiệm thực tế. Vì vậy, khi trở lại trường, điều cô Linh mong muốn làm nhất chính là lắng nghe những chia sẻ của học trò về những hoạt động ý nghĩa mà các em đã làm trong dịp lễ. Điều này không chỉ tạo không khí hứng khởi đầu năm học mà còn giúp các học trò bắt nhịp với kỳ học mới tốt hơn.
Cô giáo Thục Linh cùng các đồng nghiệp.
Về phía bản thân, cô Linh cho biết, dù hết mình với Tết cổ truyền cùng gia đình nhưng cô cũng không quên nhiệm vụ chuyên môn khi lên kế hoạch giảng dạy cho tuần học sau Tết. Bên cạnh đó, cô Linh cũng đang tập trung ôn luyện cho phần thi thực hành Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2024-2025. Ngoài công việc giảng dạy, cô còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn trường, tích cực tham gia các phong trào và hoạt động Đoàn thể, góp phần đưa thành tích Chi đoàn đi lên.
"Bước sang năm mới, tôi mong muốn được thử sức trong nhiều cuộc thi chuyên môn để trau dồi kinh nghiệm và nâng cao trình độ giảng dạy. Đồng thời, với tinh thần xung kích của một đoàn viên thanh niên, tôi hy vọng sẽ được tham gia thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần đưa phong trào Đoàn ngày càng phát triển mạnh mẽ", cô Linh tâm sự.
Ngoài công việc giảng dạy, cô còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn trường.
Nói về sự nghiệp "trồng người" nhân dịp đầu năm mới Ất Tỵ, cô giáo Hoàng Thị Hương cho biết, cô không chỉ xem đây là một công việc đơn thuần mà còn là niềm tự hào của cô và gia đình.
"Mỗi ngày đi dạy về, được bố mẹ và người thân hỏi han, tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Khi nghe mọi người gọi mình là "cô giáo", tôi càng thêm trân trọng nghề nghiệp mình đã chọn. Sự tôn trọng của gia đình và xã hội trở thành động lực lớn, giúp tôi luôn cố gắng và tận tâm với công việc", cô Hương nói.
Cô giáo Hoàng Thị Hương bên cạnh học trò của mình.
Bước sang năm mới Ất Tỵ 2025, cô Hương đặt mục tiêu hoàn thành khóa học ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm để nâng cao chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Bên cạnh đó, cô mong muốn gia đình luôn khỏe mạnh, bình an, và bản thân có thể hoàn thành những mục tiêu đã đề ra đúng thời hạn.
"Với tôi, năm mới là cơ hội để tiếp tục cố gắng, để mỗi ngày đến lớp đều tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết", cô Hương ấp ủ.
Yến Nguyễn