Theo Epic Games, việc truy cập Fortnite thông qua hệ điều hành iOS trên iPhone và cửa hàng ứng dụng App Store sẽ không khả dụng trên toàn cầu cho đến khi Apple gỡ bỏ lệnh chặn.
Apple chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận.
Epic Games, nhà phát triển game có trụ sở tại Mỹ, cũng không nêu rõ lý do vì sao Fortnite bị chặn.
Epic Games được hậu thuẫn bởi Tencent (Trung Quốc) - hãng game hàng đầu thế giới xét theo doanh thu.
Epic Games vừa thông báo Apple chặn quyền truy cập Fortnite ở Mỹ và EU - Ảnh: Internet
Fortnite (có định dạng battle royale) trình làng năm 2017, nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút hàng triệu game thủ. Tuy nhiên từ năm 2020, Epic Games đã vướng vào cuộc chiến pháp lý với Apple, sau khi nhà phát triển game này cáo buộc hãng sản xuất iPhone vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ khi thu phí hoa hồng lên đến 30% cho các giao dịch trong ứng dụng.
Battle royale là thể loại game trong đó nhiều người chơi cùng tham gia một trận, chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một người (hoặc một đội) sống sót cuối cùng.
Apple đã cấm Fortnite khỏi App Store của mình năm 2020 nhưng cho phép game này quay trở lại cửa hàng ứng dụng vào 2024 sau khi bị các cơ quan chức năng EU gây sức ép, yêu cầu các hãng công nghệ lớn tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.
Năm ngoái, Apple đã phê duyệt các game của Epic Games trên iPhone và iPad tại châu Âu.
Có hiệu lực từ ngày 6.3.2024, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là quy định mang tính bước ngoặt của EU nhằm mục đích tạo ra một thị trường kỹ thuật số công bằng và cởi mở hơn.
Mục tiêu chính của đạo luật này là ngăn chặn các nền tảng trực tuyến lớn, được gọi là gatekeeper (người gác cổng), lạm dụng vị thế thị trường thống lĩnh để chèn ép các doanh nghiệp nhỏ hơn và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số được EU ban hành nhằm mở đường cho các đối thủ nhỏ hơn tham gia thị trường do những hãng công nghệ lớn nhất thống trị.
Các công ty được EU xác định là gatekeeper có Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Apple, ByteDance (chủ sở hữu TikTok), Meta Platforms, Microsoft.
Apple chặn Fortnite sau khi Epic Games thắng trong một cuộc chiến pháp lý ở Mỹ
Cuối tháng 4, Epic Games đã giành được một chiến thắng pháp lý quan trọng trong cuộc chiến kéo dài với Apple ở Mỹ, liên quan đến chính sách thanh toán trên App Store.
Năm 2020, Epic Games đệ đơn kiện, cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền khi bắt các nhà phát triển ứng dụng sử dụng hệ thống thanh toán của gã khổng lồ công nghệ này và cấm studio game hướng người dùng đến các phương thức thanh toán bên ngoài. Năm 2021, tòa án ra lệnh cấm Apple ngăn cản các nhà phát triển cung cấp liên kết đến các phương thức thanh toán thay thế trong ứng dụng.
Ngày 30.4 vừa qua, Thẩm phán liên bang Yvonne Gonzalez Rogers kết luận Apple đã cố ý vi phạm lệnh cấm năm 2021 bằng cách áp đặt phí hoa hồng 27% với các giao dịch qua liên kết thanh toán bên ngoài, hạn chế cách hiển thị liên kết trong ứng dụng, làm suy yếu mục tiêu của lệnh cấm.
Thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers còn chỉ trích Apple vì cố tình che giấu hành vi vi phạm và chuyển vụ việc đến Văn phòng Công tố viên Mỹ để điều tra khả năng vi phạm hình sự.
"Apple cố ý không tuân thủ lệnh cấm của tòa án", bà Yvonne Gonzalez Rogers nói và cáo buộc công ty làm vậy với "ý định rõ ràng là tạo ra các rào cản chống cạnh tranh mới".
Apple bị yêu cầu chấm dứt ngay việc thu phí hoa hồng với các giao dịch ngoài App Store và phải thanh toán toàn bộ chi phí pháp lý của Epic Games đến ngày 15.5. Apple thông báo sẽ kháng cáo phán quyết này.
Trọng tâm chỉ trích của Yvonne Gonzalez Rogers nhắm thẳng vào lãnh đạo cấp cao Apple. Theo đó, bà cho rằng Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) đã phớt lờ lời khuyên từ cấp phó lâu năm Phil Schiller về việc tuân thủ lệnh cấm. Thay vào đó, Tim Cook đã chọn nghe theo nhóm tài chính.
"Tim Cook đã lựa chọn tồi", Yvonne Gonzalez Rogers nhấn mạnh. Nghiêm trọng hơn, bà còn cáo buộc Alex Roman (Phó chủ tịch tài chính của Apple) đã "nói dối trắng trợn trong lời tuyên thệ trước tòa" khi khai rằng công ty chỉ quyết định áp dụng mức phí hoa hồng 27% cho các giao dịch bên ngoài App Store vào tháng 1.2024. Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ cho thấy kế hoạch này đã được xác định từ tháng 7.2023
Epic Games khẳng định Apple nhận được các khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới 78% từ ứng dụng và điều này cho thấy rõ ràng hành vi độc quyền của họ.
Trong vụ kiện năm 2021, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers phần lớn ra phán quyết nghiêng về Apple, nhưng yêu cầu hãng phải cho phép nhà phát triển đưa ra các lựa chọn thanh toán khác bên ngoài App Store.
Thế nhưng, Apple đã phản ứng bằng cách yêu cầu các nhà phát triển này vẫn phải trả phí 27% cho các giao dịch ngoài ứng dụng và đặt ra nhiều rào cản khác.
Theo Yvonne Gonzalez Rogers, những hành động này của Apple đã "làm thất bại mục tiêu từ lệnh cấm và tiếp tục hành vi chống cạnh tranh chỉ để duy trì dòng doanh thu".
Giọng điệu cứng rắn và bằng chứng trong phán quyết của thẩm phán này có thể làm tăng áp lực pháp lý lên Apple trên phạm vi quốc tế. Điều đó có thể khiến Apple phải kết thúc tình trạng trì hoãn việc tuân thủ các yêu cầu tương tự ở nhiều khu vực khác, chẳng hạn EU.
Giám đốc điều hành Epic Games hồ hởi sau khi EU phạt Apple 500 triệu euro
Hôm 23.4, EU đã phạt Apple 500 triệu euro vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài một năm do Ủy ban châu Âu (cơ quan hành pháp của EU) tiến hành để xem xét liệu Apple có tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số hay không.
Apple cho biết sẽ kháng cáo án phạt của EU.
"Những thông báo này là ví dụ mới nhất cho thấy Ủy ban châu Âu đang nhắm mục tiêu bất công vào Apple trong hàng loạt quyết định gây bất lợi cho quyền riêng tư và an ninh của người dùng, làm giảm chất lượng sản phẩm và buộc chúng tôi phải cung cấp công nghệ miễn phí", công ty Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Tim Sweeney, Giám đốc điều hành Epic Games, hồ hởi sau án phạt Apple của EU: "Tin tuyệt vời cho các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới! Quyết định đó mang lại lợi ích cho tất cả nhà phát triển, cả châu Âu lẫn Mỹ. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết để Mỹ cũng phải thông qua Đạo luật Thị trường Ứng dụng Mở (Open App Markets Act) để đưa cạnh tranh trở lại thị trường số. Các nhóm vận động hành lang và người phát ngôn được tài trợ bởi các tập đoàn công nghệ lớn Mỹ không nên xuyên tạc án phạt khiêm tốn này với hành vi vi phạm pháp luật của Apple thành một ‘loại thuế của châu Âu với công ty Mỹ’. Làm như vậy sẽ là cố lôi kéo chính quyền vào cuộc chiến thương mại để bảo vệ sự vô luật pháp của Apple".
Open App Markets Act là một dự luật ở Mỹ được đưa ra nhằm kiểm soát quyền lực độc quyền của các cửa hàng ứng dụng lớn, đặc biệt là Apple App Store và Google Play Store. Dù chưa trở thành luật tính đến hiện tại, nó là một trong những nỗ lực nổi bật của các nhà làm luật Mỹ nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong thị trường ứng dụng di động.
Sơn Vân