Qua đó, Apple trở thành một trong những hãng công nghệ đầu tiên ký hợp đồng cung ứng tại Mỹ sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm hồi tháng 3.
Nam châm đất hiếm là loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất hiện nay, được làm từ các nguyên tố đất hiếm - nhóm 17 kim loại đặc biệt có từ tính cao.
Động thái này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ Apple, một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới, với MP Materials (đặt trụ sở tại thành phố Las Vegas, Mỹ), chỉ vài ngày sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials. Cả hai sự kiện đánh dấu một bước ngoặt đáng kinh ngạc với MP Materials, công ty từng cân nhắc sáp nhập với một đối thủ Úc năm ngoái chỉ để tồn tại.
Cổ phiếu MP Materials tăng 21% trong phiên giao dịch hôm 15.7 (giờ Mỹ), đạt mức cao kỷ lục, trong khi cổ phiếu Apple tăng chưa đến 1%.
Thỏa thuận được công bố vào 15.7 sẽ đảm bảo cho Apple một nguồn cung đất hiếm và nam châm ổn định, không phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là quốc gia sản xuất đất hiếm và nam châm lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích, chi phí để hỗ trợ sản xuất nam châm tại Mỹ là nhỏ so với rủi ro dài hạn nếu Apple mất quyền tiếp cận hoàn toàn với các linh kiện quan trọng này.
Bộ Quốc phòng Mỹ trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials
Tuần trước, MP Materials đã đạt thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc sẽ trở thành cổ đông lớn nhất và là “chỗ dựa tài chính” cho công ty này.
“Bất cứ khi nào chính phủ trở thành cổ đông, đó là một dấu hiệu cực kỳ lớn cho thấy niềm tin. Chúng ta đang sống trong thời đại mà các lãnh đạo công ty sẵn sàng trả thêm một khoản lớn để có chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Họ không muốn chuỗi cung ứng bị gián đoạn”, bà Gracelin Baskaran, Giám đốc chương trình an ninh khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Thời hạn chính xác của hợp đồng cũng như sản lượng nam châm cụ thể không được tiết lộ, tuy nhiên thỏa thuận mới yêu cầu sử dụng nam châm được sản xuất từ vật liệu tái chế, phù hợp với mục tiêu lâu dài của Apple là chấm dứt phụ thuộc vào ngành khai thác khoáng sản.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để sản xuất nam châm biến điện năng thành chuyển động, gồm cả trong thiết bị làm rung điện thoại. Ngoài ra, đất hiếm còn được sử dụng để chế tạo vũ khí, ô tô điện và nhiều thiết bị điện tử khác.
Trung Quốc từng ngừng xuất khẩu đất hiếm hồi tháng 3 sau một cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump mà cuối tháng 6 mới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Căng thẳng gia tăng từng cho thấy nhu cầu cấp thiết về nguồn cung đất hiếm không phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Giúp Apple ghi điểm với chính quyền Trump"
Theo thỏa thuận, Apple sẽ trả trước cho MP Materials 200 triệu USD để cung cấp nam châm, dự kiến bắt đầu vào năm 2027.
Các nam châm này sẽ được sản xuất tại cơ sở của MP Materials ở thành phố Fort Worth (bang Texas, Mỹ), sử dụng nguyên liệu tái chế từ khu khai thác Mountain Pass tại bang California, hai công ty cho biết.
“Vật liệu đất hiếm là thiết yếu cho việc chế tạo công nghệ tiên tiến, và mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp tăng cường nguồn cung cấp những vật liệu quan trọng này tại Mỹ”, ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, tuyên bố.
Một nhân viên làm việc tại nhà máy ở Fort Worth của MP Materials - Ảnh: Internet
Ông Bob O’Donnell, Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research, cho rằng bước đi hôm 15.7 là “hoàn toàn hợp lý” vì Apple cần một lượng lớn nam châm đất hiếm cho các thiết bị của mình.
“Thêm nữa, việc tập trung vào nhà cung cấp đặt tại Mỹ cũng giúp Apple ghi điểm với chính quyền Trump”, ông nói thêm.
Apple cho biết thỏa thuận là một phần trong cam kết đầu tư 500 tỉ USD trong bốn năm tại Mỹ. Gần đây, Apple đối mặt với những lời đe dọa từ ông Trump liên quan đến việc iPhone không được sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng việc sản xuất iPhone ở Mỹ là không khả thi do chi phí lao động và chuỗi cung ứng smartphone hiện có.
Theo thỏa thuận, Apple và MP Materials sẽ xây dựng nhà máy ở Fort Worth với loạt dây chuyền sản xuất nam châm neodymium được thiết kế riêng cho các sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Nam châm neodymium là loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất hiện nay, được làm từ hợp kim của Neodymium (Nd), Sắt (Fe) và Bo (Boron).
Thiết bị và năng lực kỹ thuật mới sẽ cho phép MP Materials tăng đáng kể tổng sản lượng tại nhà máy, về cơ bản là tăng gấp đôi lên 2.000 tấn.
Nhà máy hiện có thể sản xuất khoảng 1.000 tấn nam châm. Với khoản đầu tư từ Apple và Bộ Quốc phòng Mỹ, MP Materials mong muốn sản xuất khoảng 10.000 tấn.
Để thực hiện được điều đó, MP Materials có kế hoạch mở rộng nhà máy ở Fort Worth và mở thêm nhà máy thứ hai tại một địa điểm chưa được tiết lộ.
Cung cấp nam châm cho hàng trăm triệu thiết bị
Đã bán khoảng 232 triệu chiếc iPhone trong năm ngoái (theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC), Apple không tiết lộ cụ thể những thiết bị nào sẽ sử dụng các loại nam châm trên.
MP Materials cho biết thỏa thuận sẽ cung cấp nam châm cho hàng trăm triệu thiết bị - con số đủ để chiếm một phần đáng kể trong các dòng sản phẩm của Apple, gồm cả thiết bị đeo như đồng hồ và tai nghe.
MP Materials hiện đã khai thác và chế biến đất hiếm, đồng thời kỳ vọng bắt đầu sản xuất nam châm thương mại tại cơ sở ở bang Texas cuối năm 2025.
Công ty hiện đã có các thỏa thuận cung cấp nam châm với hãng ô tô General Motors (Mỹ) và Vacuumschmelze (Đức).
Vacuumschmelze là công ty của Đức chuyên sản xuất vật liệu từ tính tiên tiến, bao gồm nam châm vĩnh cửu, hợp kim từ mềm, vật liệu từ đặc biệt dùng trong điện tử, ô tô, hàng không vũ trụ, y tế, và năng lượng tái tạo.
Hợp kim từ mềm là các vật liệu có từ tính dễ bị từ hóa và khử từ, tức là dễ dàng hút từ và cũng dễ mất từ tính khi không còn từ trường tác động.
Thỏa thuận tuần trước giữa MP Materials và chính phủ Mỹ gồm cả một mức giá sàn cho đất hiếm, nhằm kích thích đầu tư vào các mỏ và nhà máy chế biến trong nước - lĩnh vực lâu nay vẫn chậm phát triển một phần vì giá thấp do Trung Quốc đặt ra.
Mỹ: Nvidia được tiếp tục bán chip AI H20 cho Trung Quốc là một phần của các cuộc đàm phán về đất hiếm
Hôm 15.7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Howard Lutnick cho biết kế hoạch nối lại việc bán chip AI H20 của Nvidia cho Trung Quốc là một phần trong các cuộc đàm phán của Mỹ về đất hiếm, diễn ra vài ngày sau khi ông Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) gặp Tổng thống Trump.
"Chúng tôi đã đưa điều đó vào thỏa thuận thương mại về nam châm", Howard Lutnick nói với Reuters, ám chỉ thỏa thuận mà ông Trump đã ký kết nhằm tái khởi động việc vận chuyển đất hiếm đến các nhà sản xuất Mỹ. Ông không cung cấp thêm chi tiết.
Cuối ngày 14.7, Nvidia tiết lộ đang nộp đơn xin chính quyền Trump để tiếp tục bán H20 cho Trung Quốc và đã được Mỹ đảm bảo rằng sẽ sớm nhận được giấy phép.
Việc nối lại dự kiến này là động thái đảo ngược lệnh hạn chế xuất khẩu H20 được áp dụng vào tháng 4, nhằm ngăn chặn các chip AI tiên tiến nhất đến Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia - vấn đề hiếm khi nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng.
Tuy nhiên, việc nới lỏng xuất khẩu H20 sang Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà làm luật Mỹ hôm 15.7.
"Quyết định này không chỉ trao cho các đối thủ nước ngoài những công nghệ tiên tiến nhất của chúng ta, mà còn cực kỳ mâu thuẫn với lập trường trước đây của chính quyền này về việc kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc", Dân biểu đảng Dân chủ Raja Krishnamoorthi, thành viên cấp cao của Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố.
Dân biểu đảng Cộng hòa John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện, nói rằng ông sẽ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ "làm rõ" điều này.
"H20 là chip mạnh mẽ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của các công ty AI của Trung Quốc như DeepSeek, theo cuộc điều tra lưỡng đảng của chúng tôi. Điều quan trọng là Mỹ phải duy trì vị thế dẫn đầu và giữ cho AI tiên tiến không rơi vào tay Trung Quốc", John Moolenaar nhấn mạnh. Ông ám chỉ công ty khởi nghiệp DeepSeek (Trung Quốc) tuyên bố đã xây dựng các mô hình AI nguồn mở V3 và R1 hiệu suất cao với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các hãng Mỹ như OpenAI, Google.
Các công ty Trung Quốc đang vội vã đặt mua H20, nhưng sau đó Nvidia phải gửi danh sách lên chính phủ Mỹ để chờ phê duyệt, theo các nguồn tin của Reuters quen thuộc với vấn đề. Họ cho biết các hãng công nghệ lớn như ByteDance và Tencent đang trong quá trình nộp đơn xin mua chip AI này.
Một yếu tố quan trọng trong quá trình trên là “danh sách trắng” do Nvidia lập ra để các công ty Trung Quốc đăng ký mua hàng tiềm năng, theo một trong các nguồn tin.
ByteDance và Tencent đều không phản hồi khi Reuters đề nghị bình luận. Nvidia cũng không bình luận gì về "danh sách trắng" này.
Sơn Vân